Tuesday, April 21, 2020

Ngày tháng của năm xưa lại trở về


Tính đến nay gần kề 45 năm của ngày 30 tháng 4. Ngày tháng cứ tự nhiên mà tuần tự đi đến không mời vẫn 'vãng lai' mỗi năm.
Bút mực vẫn thường gào lên đau đớn với ngày Quốc Hận, tưởng niệm những anh linh vị quốc vong thân lại được tưởng nhớ theo từng ngọn nến vương quyện khói cho đêm nguyện cầu.
Nỗi đau tháng Tư ngày đó bất chợt ập đến, giận dữ trút lên muôn người dân Nam Việt Nam. Chới với trong đau thương. Uất hận ngập đầy hằn lên khóe mắt.
Mỗi người, mỗi câu chuyện để nhớ lại ngày tang tóc ấy.                    
Tôi ra Trường khi đất nước này lâm nguy? Mặc! Tôi vẫn hồn nhiên vui đùa với bạn đồng Khóa, bỡn cợt mọi chuyện dù tình hình tháng Tư năm đó rất căng thẳng, nóng. Thêm một Mùa Hè Đỏ Lửa của Quảng Trị 1972 lại đến. Lần này nguy kịch hơn, cả một đất nước chìm vào biển lửa sau khi vùng I và II đều thất thủ vào tay Cộng quân. Lúc đó tôi mới 22 tuổi.
Thế nhưng trước mặt những đàn em, nhất là đối với Khóa 31 tôi tạo dáng chững chạc, luôn có những nụ cười nhẹ, nhếch miệng khi cần phải thông cảm. Có gì thấm nhuần trong tâm tánh mà tôi đã học từ những Khóa đàn anh, mỗi ngày suốt 3 năm thụ huấn trong môi trường "lây nhiễm"!
Từ dáng đi, tiếng nói đến thái độ của các Khóa đàn anh 25, 26 và 27 tôi hữu hạn học được nhiều về họ và dĩ nhiên đã nhiễm vào tâm tư của tôi.
Máu anh hùng!
Tôi muốn có khí phách đó, ước mơ muốn học làm anh hùng ngoài chiến trận, muốn được vậy tôi phải có, phải có được màu áo hoa khi chọn đơn vị. Mặc nhiên, tôi gát ngoài tai những tin xấu về chiến trường, những anh hùng ngã ngựa, một phút mặc niệm cho những Niên Trưởng vừa gục xuống ngoài sa trường.
Đàn anh tử trận ư?
Họ chỉ kém may mắn mới da ngựa bọc thây bởi chí tang bồng chưa thỏa nguyện. Không phải ai cũng kém may mắn, chỉ xui xẻo Người mới nằm xuống... như một lần đã đến đây, đến quân trường này làm những đàn anh của tôi và được tôi bội phục vô ngần.
 Ngày chia tay, Niên Trưởng Nguyễn Ngọc Phước Khóa 25 trong bộ đồ Dù đưa tay chỉnh chiếc mũ đỏ nằm ngay ngắn trên đầu, nhoẻn môi cười:
- Anh thấy có oai hùng không? Sau nầy có về Dù nhớ nhắn cho tôi hay nghen?
Dĩ nhiên tôi thích, rất thích là đằng khác. Binh chủng Nhảy Dù chính là nơi tôi quyết tâm sẽ "dấn thân gởi phần số". Một xanh cỏ, hai đỏ ngực, ba lên bàn thờ ngắm đít gà khỏa thân!
Người Niên Trưởng ấy có nhà ở Gò Vấp, trong tình cờ tôi được ông chú họ giới thiệu đến nhà rồi nhìn từng tấm hình trong thời gian thụ huấn Tân Khóa Sinh Khóa 25 của Người. Tất nhiên khi tôi nhập trường được Người tận tình chiếu cố đủ để lê lết bò ngoài bãi học chiến thuật, bò quanh những gốc thông già, bò theo từng vết chân đếm đi thụt lùi khi nhanh khi chậm của Người.
Tôi thì cố gắng bò hụt hơi Người chống nạnh nhìn rồi cất nặng giọng:
- Anh tà tà chống đối phải không? Tiếp tục lăn xuống con dốc cho tôi coi!
Tôi lăn xuống dốc nhỏ thoáng thấy Người vừa quay lưng che dấu nụ cười quỷ quái nào đó vừa xuất hiện và tắt ngay khi bắt gặp ánh nhìn ngạc nhiên của tôi:
- Trời đất! Anh vừa lăn vừa cười 'hạ dễ' tôi đó hả? Tiếp tục!
Thiên địa ơi! Ai cười ai trong thời gian huấn luyện tàn khốc này chứ?
Và rồi khi đối mặt với Khóa 31 tôi cũng thường dấu đi những nụ cười quỷ quái:
- Tại sao đái ướt đẫm trong quần vậy hả Anh?
Người đàn em Khóa 31 lúng túng đứng im lặng nhìn tôi không trả lời và được tôi cho bò 'mệt nghỉ'!
Bò dưới đất, bò trên sân cỏ là hình thức 'nghỉ ngơi' thứ hai sau hình phạt 'dưỡng sức' thứ nhất 'bắt cầu cho kiến bò', vắt mình qua đường mương của sân cỏ Trung Đoàn nhìn bạn bè đang thi hành lệnh phạt!
Kỷ niệm Tân Khóa Sinh luôn có nhiều bất ngờ đáng trân quý!
Cuối tháng Ba Trung Đoàn SVSQ được lịnh di tản chiến thuật.
Ngày bỏ Trường tôi đưa tay chạm nhẹ vuốt lại bộ đồ Đại Lễ vẫn treo ngay ngắn trong tủ, chân không muốn rời vẫn phải bước đi với lòng xót xa.
Học tại Võ Bị, chọn đơn vị một nơi xa lạ ngoài ngôi Trường thân yêu! Đã ở đấy gần đủ 4 năm, đủ lưu luyến mang nhiều dằn vật trên ngọn đồi có cao độ 1515, tên gọi một tọa độ cũng là tên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ngạo nghễ, thách thức bao chàng trai trong thời chinh chiến.
Muốn được dẫm dấu giày trên sân cỏ, trên đường tráng nhựa, trong khuôn viên của Trường không phải dễ dàng khi chân vừa bước qua khỏi cỗng Nam Quan, tên gọi như cửa ải Nam Quan, ranh giới giữa hai quốc gia, ranh giới của giã từ mẫu đời dân chính bước vào thử thách cam go, bắt đầu hành trình gian khổ của một đời quân ngũ.
Luôn luôn nuôi chí hiên ngang, không sờn nguy khổ không màng hiển vinh.
Những ngày đầu không biết bao nhiêu lần tôi phải đọc hai hàng chữ im lặng trên bờ tường được dựng lên bằng gạch đỏ nhìn bọn lính mới chúng tôi như thách đố. Những sớm mai tập thể dục chạy đều bước cũng phải đọc vang hai câu "thần chú" đó. Lâu dần thắm vào máu xương hiên ngang như không sợ trời sợ đất, cầm súng ra trình diện đơn vị không mảy may suy tư lo ngại.                            
Ngày 21 tháng Tư 2 Khóa 28 và 29 ra Trường một lược. Trong cùng ngày về trình diện trại Hoàng Hoa Thám tôi dò tin Niên Trưởng đã tử trận ngoài miền Trung khi tấn công một ngọn đồi.
Như những cánh bèo trên sông con người chúng ta dù có cố gắng cũng không thể cưỡng cầu được dòng đời đưa đẩy nhất là khi nhà tan với họa mất nước! Thế gian dường như là theo sự an bài sẵn vậy!
Phần tôi trôi dạt từ 1975 đến nay kể từ sau ngày mãn khóa, vội vã chia tay bạn bè, có được 9 ngày hành quân theo đơn vị chưa kịp chuẩn bị chiến đấu đã tan hàng theo vận nước.
Mọi ước mơ, hy vọng thảy đều tan vỡ kể từ ngày thay bộ đồ quân phục lần sau cùng đó, khác xa với lần đầu xúng xính trong bộ đồ lính mới lãnh về, mặc vào người mang bao nhiêu bồi hồi lo toan, mai này sẽ ra sao?

Tôi lại trở về đời dân chính nơi khởi đầu của bao niềm mơ ước.

  Phạm Minh Hùng K28/CSVSQ/TVBQGVN