Tuesday, April 21, 2020

KHÓA 29 - HOÀNG LÊ CƯỜNG TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM


Nhập Trường: 29-12-1972
Số Ứng Viên Nhập Trường: 315
Mãn Khóa: 21-04-1975
Chủ Tọa Lễ Mãn Khóa: Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị
Số Sĩ Quan Tốt Nghiệp: 291
Tên Khóa: Hoàng Lê Cường
Thủ Khoa: Đào Công Hương

Chiến Tranh và Đất Nước
1972 - Thời điểm mà sự an nguy của miền Nam bị thử thách nghiêm trọng. Trong nỗ lực bảo vệ quê hương chống lại cộng sản, đã có rất nhiều bạn bè, anh em và quyến thuộc của người dân miền Nam đã phải nằm xuống.
Không có một Bình Long Anh Dũng, không có một An Lộc Oai Hùng, không có quân và dân miền Nam đem sinh mạng của họ ra để dựng lên những hàng rào lửa chận đứng những đợt tấn công vũ bão của những con thiêu thân cộng sản điền loạn, thì ngay cả một Sài Gòn yên ổn, tiêu biểu cho những thanh bình và thịnh vượng, cũng sẽ có thể chỉ còn là những đống gạch vụn trong một Mùa Hè Đỏ Lửa.
Chiến tranh không còn là những gì chỉ nghe được qua đài phát thanh, hay nhìn thấy trên màn ảnh máy truyền hình. Chiến tranh đã đến ngay trước ngưỡng của mọi thành phố. Khói lửa và nước mắt quyện lẫn trong bầu không khí ngột ngạt mùi thuốc súng.
Lệnh Tổng Động Viên được Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà ban hành! Đã đến lúc phải “Xếp bút nghiên theo việc đao cung”(1)...
***
1972 - Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) đón nhận hơn 4.000 đơn xin thi vào Khóa 29 (K29) trong một bối cảnh như trên. Tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, cuộc thi xét nghiệm khả năng học vấn của các thí sinh đã được tổ chức. Sau khi có kết quả, chỉ có hơn 350 thí sinh nhận được giấy mời của TVBQGVN để lên Đà Lạt khám sức khỏe và thử nghiệm thể chất.
Tháng 12 năm 1972, khu tạm trú của Trường Võ Bị thuộc khu Chi Lăng đã đón nhận hơn 350 thanh niên đến từ các nẻo đường của đất nước. Tại đây, các ứng viên đã phải trải qua các thủ tục khám sức khỏe, trọng lượng, chiều cao, thử máu, thử mắt...
Đồng thời những cuộc thi xét nghiệm thể chất của các ứng viên cũng được thực hiện. Sau khi có kết quả khảo nghiệm, chỉ có 315 người hội đủ điều kiện để trở thành ứng viên của K29.
Năm Thứ Nhất
Sáng sớm ngày 29/12/1972, sau khi kết quả khảo nghiệm về sức khỏe được công bố, các ứng viên đã rời khu tạm trú và được quân xa chở sang TVBQGVN để nhập khóa.
Đứng xếp hàng tại trước Cổng Nam Quan của TVBQGVN, các Ứng Viên K29 đã được các Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Khóa 26 ra đón nhận. Trong vai trò Tiểu Đoàn Trưởng Tân Khóa Sinh, SVSQ Khóa 26 Phạm Đức Loan đã đại diện cho TVBQGVN ngỏ lời chào mừng các Ứng Viên K29. Ban quân nhạc cũng bắt đầu tấu lên những bản hùng ca để đón chào những Ứng Viên K29 đang theo lệnh của các SVSQ Khóa 26 tiến qua cổng Nam Quan để tiến vào trường.
Vừa qua khỏi cổng Nam Quan, các các Ứng Viên K29 đã bị “hò hét” phải chạy. Vừa chạy vừa lúng túng vác theo hành trang cá nhân của thời còn “dân chính”. Chỉ một chút sau khi được cho “nêm nếm” chút ít “hương vị nhập truờng”, thì các Ứng Viên K29 cũng đã “tối trời” không còn nhớ gì ngoài răm rắp thi hành lệnh phạt và... ngất xỉu.
Ngay từ lúc K29 bước qua Cổng Nam Quan, Mùa Tân Khóa Sinh của K29 đã bắt đầu. Một mùa huấn nhục kéo dài với tám tuần huấn nhục – trong đó mọi lỗi lầm sẽ được “nhắc nhở” bằng hình phạt!
Nhưng cũng chính từ những rèn luyện “sắt thép” này đã giúp khuôn đúc những giá trị có được từ Tinh Thần Kỷ Luật Thép, Tinh Thần Tự Thắng cùng Tinh Thần Đồng Đội. Và đó cũng là những gì Tân Khóa Sinh K29 đã thụ nhận được từ sự huấn luyện của các NT Khóa 26, hoặc được kế thừa từ những truyền thống tốt đẹp của Trường VBQGVN được chuyển giao xuống từ các khóa đàn anh trước đây. Qua tám tuần huấn nhục, Mùa Tân Khóa Sinh đã khắc đậm nét với nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được ngay từ trong những bước đầu đời binh nghiệp.
Để kết thúc mùa huấn nhục, vào ngày 23 tháng 2 năm 1973, TKS K29 đã phải chinh phục đỉnh Lâm Viên - ngọn núi cao nhất Đà Lạt. Trong cuộc chinh phục Lâm Viên này của K29, bạn Trần Dã, thuộc Đại Đội C K29, là người đã đoạt danh hiệu Vua Lâm Viên của K29 vì là người đầu tiên của K29 leo lên đỉnh Lâm Viên.
Cũng ngay trong đêm cùng ngày, một buổi lễ gắn Alpha được tổ chức rất trang nghiêm tại Vũ Đình Trường Lê Lợi, toàn thể K29 đã được các NT Khóa 26 gắn Alpha lên cầu vai để chính thức trở thành những Sinh Viên Sĩ Quan K29 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tân Khóa Sinh Lê Tùng, thuộc Đại Đội B Khóa 29 là Người Đại Diện cho K29 trong buổi lễ gắn Alpha.
Theo như dự định của Trường, K29 sẽ theo đuổi một chương trình huấn luyện 4 năm về quân sự và văn hóa. Dự trù SVSQ K29 sẽ tốt nghiệp vào tháng 12 năm 1976 với cấp bực thiếu úy và sẽ được cấp phát văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng.
Sau khi được gắn Alpha, Tân Sinh Viên Sĩ Quan của K29 vẫn tiếp tục học để hoàn tất mùa quân sự năm thứ nhất. Rồi đến tháng 3 năm 1973, K29 chính thức bắt đầu bước vào mùa học văn hóa của năm thứ nhất và sẽ kéo dài trong 9 tháng.
Tuy nhiên, dù đang ở vào giữa mùa học văn hóa, trước sự đòi hỏi cấp bách của nhu cầu đấu tranh chính trị gắn liền với Hiệp Định Paris 1973, K29 cùng với Khóa 26 đã được điều động ra Quân Khu 1 để làm công tác chiến tranh chính trị thay thế cho hai Khóa 27 và Khóa 28 trở về trường sau hai tháng công tác tại đó.
Sau một tháng công tác, K29 trở lại trường để tiếp tục học văn hóa trong năm thứ nhất. Khi mùa học văn hóa năm thứ nhất vừa kết thúc, K29 được đi phép hai tuần để về thăm gia đình – trong một cảm giác mừng vui lẫn lộn vì đây là lần đầu tiên được về thăm nhà sau khi vào Võ Bị.
Năm Thứ Hai
Trong năm thứ hai, K29 đã thực hiện nhiều chuyến du khảo về Sài Gòn đề viếng thăm các nơi như: Sư Đoàn 5, Không Quân, Hải Quân Công Xưởng, Lục Quân Công Xưởng,TrungTâm An Bài Điện Tử tại Bộ Tổng Tham Mưu, Đài Ra Đa Phú Lâm, Căn Cứ Long Bình, Khóa Bảo Trì Quân Trang Quân Dụng, Căn Cứ 40 Công Binh Bộ Công Chánh, Trường Quân Y. Trở về sau những chuyến du khảo này, K29 tiếp tục chương trình học của Mùa Văn Hóa năm thứ hai.
Năm Thứ Ba
K29 lên năm thứ ba vào năm 1975, khi tình hình chiến sự của miền Nam đã bắt đầu trở nên căng thẳng. Cuối tháng 2 năm này, sau hơn một tháng học của mùa quân sự năm thứ ba, K29 được chia thành ba nhóm và đưa về các Quân Chủng Hải - Lục - Không Quân. Sự phân chia K29 để đưa về các quân chủng dựa trên kết quả của cuộc thi trắc nghiệm tâm l. do những chuyên viên của Tổng Cục Quân Huấn thực hiện.
Mười một (11) SVSQ K29 thuộc Không Quân được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân tại Nha Trang để được thụ huấn các chương trình học và thực tập chuyên môn của Không Quân.
Hơn hai mươi (20) SVSQ K29 thuộc Hải Quân được đưa về Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang để được huấn luyện chuyên môn về Hải Quân. Còn lại là các SVSQ K29 thuộc Lục Quân được phân chia thành hai nhóm về Sài Gòn để học nhảy dù tại Trại Hoàng Hoa Thám, qua Khóa 360A và Khóa 360B. Mặc dù đã trải qua gần ba tuần lễ luyện tập đu dây, tuột núi và nhảy “chuồng cu”(1), và chỉ còn lên máy bay nhảy dù xuống là hoàn tất chương trình huấn luyện và nhận bằng nhảy dù, tuy nhiên vì tình hình chiến sự trở nên quá tồi tệ, chương trình học nhảy dù bị bắt buộc ngưng lại. Phần cuối cùng của chương trình huấn luyện là nhảy dù từ phi cơ đang bay đã bị hủy bỏ.
Ngày 20/03/1975, dù đang theo học các khóa huấn luyện Không và Hải Quân tại Nha Trang, hay đang học nhảy dù tại Sài Gòn, toàn thể các SVSQ K29 nhận được lệnh trở về Trường.
Đầu tháng 4/1975, Bộ Chỉ Huy của Trường đã quyết định đưa toàn bộ TVBQGVN di tản khỏi Đà Lạt. Trên con đường di tản, K29 đã đi cùng với Bộ Chỉ Huy của Trường, toàn thể sĩ quan và quân nhân cơ hữu và SVSQ của các Khóa 28, Khóa 30 và Khóa 31 vượt đèo Ngoạn Mục, theo đường bộ, đi ngang qua các tỉnh Phan Rang, Phan Thiết, và Bình Tuy. Từ Bình Tuy, K29 cùng với Khóa 28, Khóa 30 và Khóa 31 được trực thăng Chinook và vận tải cơ C-130 đưa về Căn Cứ Long Bình và Phi Trường Biên Hòa, và từ đó được quân xa đưa về Trường Bộ Binh Long Thành.

Lễ Mãn Khóa
Trước một hiện tình đất nước hết sức bi quan, vào ngày 21/4/1975, SVSQ Khóa 28 và K29 cùng tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy, dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn.
Trong lễ mãn khóa, K29 được đặt tên là Khóa Hoàng Lê Cường. Trung Tá Hoàng Lê Cường, là cựu SVSQ Khóa 16, cũng là cựu Sĩ Quan Cán Bộ Đại Đội Trưởng tại Trường, chức vụ sau cùng là Quận Trưởng Quận Hoài Nhơn (Bồng Sơn), tỉnh Bình Định và đã hy sinh tại Bồng Sơn trong Mùa Hẻ Đỏ Lửa của năm 1972.
Thủ khoa của K29 là Đào Công Hương C/29.
Tổng số SVSQ K29 tốt nghiệp là 291 người.
Ngay sau khi lễ mãn khóa chấm dứt, vì nhu cầu cấp bách của chiến trường, các Tân Sĩ Quan K29 chọn lựa Binh Chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã lên xe GMC đang chờ sẵn để đưa về đơn vị. Tân Sĩ Quan K29 đã không có đủ thì giờ để nói lời từ biệt với hai khóa đàn em là Khoá 30 và 31 còn ở lại.
Thời gian thụ huấn của K29 tại TVBQGVN là 2 năm, 3 tháng, và 23 ngày.

Một Ngày Võ Bị - Một Đời Võ Bị
Đã hơn 42 năm sau ngày Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, các Cựu SVSQ K29 ngày nay sinh sống rải rác tại nhiều nơi khác nhau, ở nhiều đất nước khác nhau. Dù không gian có xa cách và tuổi đời càng chồng chất, K29 vẫn lưu giữ được những khăng khít của tình chiến hữu, của tình bạn như những ngày còn là SVSQ K29 của TVBQGVN. Và trong những dịp đặc biệt, để đánh dấu những “sinh nhật” của K29, các CSVSQ K29 và gia đình đã cùng đến với nhau trong buổi họp mặt kỷ niệm, điển hình như vào ngày 29/12/2012, K29 đã cùng tìm lại nhau để cùng vinh danh "40 Năm Tình Bạn".

San Jose, ngày 09 tháng 8 năm 2017
Sưu Tầm và Biên Soạn: Cựu SVSQ Lê Thi K29