Sunday, April 12, 2020

CÒN CHÚT GÌ ĐỄ NHỚ ……


Mấy cái ông nhà văn nhà thơ thường hay vẽ vời  hoa lá, bốc thơm mấy người phụ nữ chúng tôi nên đã viết và ví von rằng:“Sau lưng sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ “  sao mà nịnh đầm hay thế.
Thì đúng là sau lưng mấy ông chồng mà không có bóng dáng của người vợ thì mấy ông, nhất là mấy ông lính Thiết Giáp, những anh chàng lúc nào cũng tự ca tụng mình như là “Thiết Giáp hào hoa, lịch sự … thì thế nào đôi mắt mấy ông đó cũng láo liên tìm kiếm bóng dáng các người đẹp khác. Do đó cho chắc ăn, mấy bà vợ TG thường vẫn có thói quen là lẽo đẽo theo vết xích của chồng, dù có phải rày đây mai đó, cho chắc ăn vậy mà.
Nhưng tôi thì ngược lại, dầu rằng bản thân cũng rất muốn lẽo đẽo theo sau lưng ông chồng yêu quí, nhưng khổ nổi, kể từ khi “nâng khăn sửa túi cho chàng” Ba tôi nhất quyết không cho đứa con gái bé bỏng của mình theo chồng đến những nơi  súng đạn nguy hiểm.
Nhân chuyện này, ngồi nghĩ lại cái chuyện “theo chàng hay không theo chàng” vẫn tưởng như mới hôm qua đây, thế mà thời gian qua nhanh quá, bây giờ cả “Chàng lẫn Nàng” đều đã qua cái tuổi “Thiên Mệnh” từ ngày nào xa xăm lắm rồi.
Là một người con gái được cưng chiều trong gia đình những năm 1952-53, Ba tôi làm quản lý cho CLB Sĩ Quan thuộc Bộ TTM trên đường Trần hưng Đạo nên tôi thường được Ba tôi dẫn đến nơi làm việc của ông (tìm chồng giửa chốn ba quân).
Dạo đó các sĩ quan ra vào nơi đây thường là mấy ông cấp Tá trở lên, rất ít người  cấp Úy? Chẵng hiểu mấy ông quan này đi lính từ thời nào mà lên đến Mai Bạc? Chắc từ thời Bảo Đại còn làm vua.
Cũng tại nơi Ba tôi làm việc này, một chàng trai tuổi đôi mươi (trông rất bảnh bao !!..) thường lảng vảng gạ chuyện cô bé ... Thoạt đầu thấy chàng, tôi cũng coi chàng như “hàng mớ” mấy ông quan khác mà thôi. Thế nhưng chính cái mũ đen có chiếc xe tank đội ngạo nghễ trên đầu chàng đã làm con bé thấy... thích thích, vui vui …
Dần dần những lúc không thấy bóng dáng chàng, tự dưng con bé thấy... nhớ nhớ cái anh chàng đó từ lúc nào không rõ, dầu rằng cứ mỗi lần chàng ta “thả ong” ve vãn là con nhỏ mặt cứ khinh khỉnh chả thèm... tiếp chuyện dù trong lòng có lúc cũng thấy sao mà tim phổi cứ nhảy loạn cào cào cả lên.
Sau khi dẹp loạn Bình Xuyên xong, anh chàng khăn gói lên Dalat theo học khóa 11 sĩ quan hiện dịch (đồng môn với Nguyễn đức Dương - Huỳnh kiêm Mậu - Trần văn Nô - Nguyễn hữu Lý - Nguyễn văn Tá ). Từ ngày đó, con bé thường xuyên nhận được những lá thơ của chàng SVSQ Dalat  từ kbc 4027 gởi về kể chuyện sương gió, đồi thông, mây nước Hồ Than Thở cho con bé nghe, thấy tôi nghiệp ghê vậy đó. Rồi những cánh hoa pensée ép trong là thơ màu xanh, màu hồng của chàng càng làm con bé thêm rạo rực, mỗi lần nhận thơ... Thế nhưng con bé nhất định không thèm hồi âm anh chàng, bắt chàng ta phải viết thật nhiều hơn nửa (đúng là mưu mô con gái). Với số lượng những bức thơ tình tuổi mới lớn dạo đó, nếu túng quẩn có thể đem cân ký cũng mua được khối gạo đễ ăn ...!!
Rồi chàng về Thủ Đức học tiếp khóa 3 CBTG (kbc 4100) sau đó về phục vụ tại Trung Đoàn 1 TG (kbc 4956) tại Hạnh Thông Tây – Gò Vấp; đơn vị trưởng là Thiếu Tá Hoàng xuân Lãm – chi đoàn trưởng là Trg. Úy Nguyễn trọng Luật và chàng là chi đội trưởng chi đội 2 Thám Thính (xe AM nồi đồng).
Nhớ lại cái dạo đó, cô học sinh trường Marie Curie vẫn còn bé bỏng lắm, ngồi ngoan ngoãn trong lớp học nghe thầy cô giảng bài, thế mà bên ngoài khung cửa sổ, nơi có những hàng cây cao rợp bóng đường Công Lý, một chàng trai trẻ đầu đội nón đen cứ lởn vởn trông ngóng trước khung cửa rào, tìm kiếm chờ đợi nàng tan học về, làm tim con bé cứ rạo rực hẳn lên, dù ngoài mặt cứ lạnh như tiền...
Rồi thời gian qua đi, và lòng người cũng đậm đà thêm lên qua những vấn vương, nhưng nổi nhớ không tên… khi con bé không nhìn thấy bóng dáng chàng nơi cửa trường mỗi khi tan học. Đó là những lúc chàng phải hành quân mãi tận vùng Tây Ninh – Bình Long…xa xăm. Những lần như thế con bé dặn lòng rằng sẽ chẵng thèm nhìn chàng, nói chuyện với chàng nữa … giận chàng cho bỏ ghét. Nhưng sau đó, cái bóng dáng anh chàng mũ đen cứ lỡn vỡn trong tâm trí làm con bé không thễ giử được lời hứa mỗi khi gặp chàng trở lại.
Là con gái của một ông quản lý CLB hàng đầu của quân đội VNCH, nơi mà hàng ngày cả trăm sĩ quan từ khắp các đơn vị  đến ăn uống, hội hợp, ve vãn… Thử hỏi có chàng lính trẻ tác chiến nào cảm thấy “an toàn” khi đã đem lòng thương nhớ cô gái đó?... Anh chàng Trung Úy Sơn Ca bèn tấu khúc “mai mối” để hỏi con bé về làm người tình trăm năm. Con bé khi nghe lời tỏ tình dũng mảnh của chàng thấy như hàng trăm ngôi sao trên trời trong mắt đang nhảy múa … bèn bẽn lẽn về thưa chuyện cùng Ba. Ba vấn kế ông ngoại – các cô chú nội ngoại; cuối cùng cả nhà đồng ý. Thế là đám cưới nhà binh xảy ra vào ngày 20-5-1960 khi con bé chỉ vừa ra khỏi cổng trường Trung Học.
Từ ngày đó, con bé bắt đầu nếm mùi thế nào là vợ lính. Bao nhiêu mộng mơ ngày còn cắp sách đến trường đều tan biến theo những ngày tháng hành quân của chồng. Lúc chàng ở Bình Dương thì những vườn cây trái thơm ngát không còn là những ước mơ của cô bé năm xưa nữa, mà thay bằng những nỗi hồi hộp lo âu cho số mệnh của chàng. Khi hành quân vùng LongKhánh, thì những bụi đỏ hành quân đã phủ lấp những ngọt ngào thuở hai người mới quen... Muốn lên thăm chồng mà Ba thì vẫn khắc khe như ngày con bé còn trong vòng tay gia đình: "Nơi đó đầy súng đạn con lên đó làm gì cho vướngbận người ta...".
Mãi đến  khi Sơn Ca làm Thiết Đoàn Phó Th. Đ 5/KB  mới được phép hay là đánh liều lên thăm chàng. Hai mẹ con, thằng con trai lúc đó 8 tuổi, khăn gói lên đơn vị thăm chồng lần đầu tiên tại Xuân Lộc, nơi đặt BTL Sư Đoàn 18/BB. Cái khung cảnh một trại lính với những chiếc xe tăng bám đầy bùn đất, những người lính trẻ ra vào nơi công xưởng sửa chửa, văn phòng, những hàng rào kẽm gai giăng mắc tứ tung làm hai mẹ con như lạc vào một nơi chốn xa lạ. Cái lạ nơi xứ đất đỏ này mà tôi chưa từng thấy tại Saigon, đó là nơi trước cửa nhà nào cũng đều có một cây sắt bắt ngang để gạt đất sình dính trên giày. Rồi nhũng tiếng đạn pháo bắn ì-ùng liên tục, chẵng hiểu từ đâu bắn làm cái mái nhà rung rinh mỗi khi tôi nghe tiếng súng.
Sau bửa cơm chiều từ Câu Lạc Bộ về thì trời xập tối, hai mẹ con trở về nhà vì lúc đó Sơn Ca còn bận hợp hành gì đó, thế là cả hai leo lên giường nằm vì biết đi đâu bây giờ trong cái doanh trại giăng đầy kẽm gai chung quanh?..
Nằm trên giường tôi tự hỏi không lẽ đời sống của mấy ông lính buồn thảm như vậy sao? nghỉ thật thương cho những người lính và thương nhiều hơn nữa cho những người làm vợ lính .!!!. Đang ngon giấc, tôi chợt nghe đâu đó mấy tiếng súng bắn bóp bóp... gần lắm, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra? Chồng tôi bật dậy nói vắn tắc: Mẹ con cứ nằm đây, anh phải chạy lên phòng hành quân ngay.
Tiếng súng càng lúc càng gần và nhiều hơn. Cả hai mẹ con ôm lấy nhau vì sợ hải, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe được tiếng súng gần như thế. Ngay lúc đó, người tài xế chạy vào căn phòng nơi hai mẹ con chúng tôi đưa cho mỗi người một cái nón sắt và một chiếc áo giáp bảo mặc ngay vô; tôi luống cuống không làm sao mặc được cái áo giáp vì nó nặng quá với tôi từ trước đến nay, còn chiếc nón sắt thì cứ nghiêng bên này rồi lại nghiêng qua bên kia vì mái tóc bới của tôi; miệng tôi cứ run lên cằm cặp vì sợ, tôi định hỏi chú tài xế xem có chuyện gì xảy ra mà súng bắn nhiều vậy, nhưng không làm sao mở miệng ra được, răng đánh lập cập với nhau nghe rỏ từng tiếng. Sau khi hai mẹ con mặc áo giáp và đội nón sắt xong chú tài xế nói : “Bây giờ chị và cháu chạy theo em và phải chạy thật nhanh vì ở đây không bảo đảm, sợ bọn VC tấn công vào đây vì nhà gần cổng ra vào.”
- Mình chạy đi đâu bây giờ hả chú?
- Chạy sang bên kia sân, gần nơi Thiếu Tá có hầm tránh đạn cho chị và cháu.
Thế là  cả 3 người mau chóng chạy qua một khoảng sân rộng, vừa lạnh vừa sợ. Khi gặp lại được chồng và Trung Tá Thoàn Thiết Đoàn Trưởng, hai anh lại nói chú tài xế hướng dẫn đưa hai mẹ con về phía Chi Đoàn gần đó. Mặc dù rất sợ nhưng vẫn còn một chút tò mò muốn xem đạn nó bắn ra làm sao. Trong lúc đang chạy, tôi vẫn cố ngoái đầu lại nhìn… những viên đạn màu xanh màu đỏ không có bay nhanh như mình tưởng tượng, nó cũng từ từ… thế là sau khi ra đến khoảng trống an toàn, hai mẹ con ngồi nhìn “pháo bông” mà miệng đánh bò cạp.
Cuộc tấn công của VC chấm dứt sau 2 giờ nổ súng của cả 2 bên. Ngay sáng hôm sau, khi trời vừa hừng sáng là hai mẹ con nhanh chóng cuốn gói về Biên Hòa; trên đường đi còn nhìn thấy xác mấy tên VC nằm ngổn ngang ngay lối vào doanh trại và dọc theo hàng rào bên phía SĐ 18 BB. Hú hồn!!...
Vừa về đến nhà, thấy sắc mặt hai mẹ con nhợt nhạt như tàu lá chuối xanh, Ba tôi mắng cho mấy câu: “Tao đã nói chổ lính tráng mà còn tơí đó làm chi ? “
Thế nhưng chính những nỗi sợ hải và sự nguy hiểm nơi doanh trại những người lính mà mẹ con tôi sau vài tuần lại khăn gói lên thăm chồng, thăm cha nhiều hơn trước đây. Thường thì chúng tôi rời Saigon lúc 5 giờ chiều sau khi tan sở làm. Trong những lần ra khỏi những nơi xôi bồ của Saigon, tôi cảm thấy thú vị, được thả tầm mắt mãi tận chân trời xa, được nhìn thấy ruộng đồng, đồi núi, rừng cây, được ngửi mùi thoang thoãng hương cỏ hai bên đường. Đến gần các doanh trại quân đội, nhìn những người lính với ba-lô, súng đạn, lầm lũi trong ánh sáng chập choạng của hoàng hôn ra các điễm phục kích đêm, thấy thương cho đời lính vô cùng. Đúng là “đi một ngày đàng - học được một sàng khôn”. Cô nữ sinh trường đầm thơ ngây năm xưa, nay đã dày dạn thêm lên với những va chạm của thực tế vây quanh. Đặc biệt là cuộc sống của người lính tác chiến đã dạy cô rất nhiều điều mà không một trường nào dạy cô trước đây.
Mẹ con chúng tôi được dành cho ở trong một căn nhà bênh cạnh CLB của đơn vị, nơi đây có chiếc radio mở liên tục suốt ngày. Những lúc ở Saigon, ồn ào và nhiều chuyện phải làm, tôi chẳng có thời gian đâu mà nghe radio. Nhưng khi đến nơi xa lạ này, không có một cái gì đễ giải trí, thì chiếc radio chính là nguồn vui duy nhứt cho những người lính và cho chính tôi bây giờ nữa. Tôi thích nhứt chương trình Trường Sơn của nhạc sĩ Duy Khánh vào mỗi sáng chủ nhựt, nghe riết rồi đâm mê lúc nào không hay. Toàn những bản nhạc nói về người lính hợp với tâm trạng thời đại nghe thích vô cùng. Mặc dù có Ba là lính, chồng cũng là lính từ lâu, nhưng đến tận lúc này, được nằm ngay tại doanh trại của lính, tôi mới thật sự thấy thương cảm với người lính một cách đúng nghỉa nhất .
Lâu lâu đơn vị cũng có một “Live Show” do lính hát lính nghe; các ca nhạc sĩ đều là những chàng trai trẻ mũ đen, hát thật hay, chẵng thua gì các ca sĩ tại Saigon. Ban nhạc có một cây đàn ghi-ta, một bộ trống và một đại-hồ-cầm làm bằng chiếc kann đựng xăng nhưng nghe thật ấm. Trong những buổi ca nhạc bỏ-túi này, khán giả cũng đông nghẹt cả sân trình diễn.
Bao nhiêu kỷ niệm theo chồng cứ ngày càng chất chồng trong tâm trí tôi. Từ Th-Đ 1 đến Th-Đ 5, qua Th-Đ 18 Kỵ Binh; nơi đâu có vết xích chàng thì nơi đó cũng có dấu chân tôi … Đễ rồi ngày 28/4/75 tôi phải rời xa chồng trong nổi sợ hải không cùng, khi cùng với gia đình lên máy bay di tản ra nước ngoài vào đúng ngày Nguyễn thành Trung lái máy bay thả bom sân bay Tân Sơn Nhứt. Chuyến máy bay ấp chót đưa mẹ con tôi và gia đình đến Clark Air Base (Phi luật Tân) rồi chuyển qua Đão Wake ở đó 1 tuần và vào Mỹ trại Fort Chaffee (Arkansas) đễ được người em bảo lảnh về Peekskill (N.Y). Ra đi trong lo sợ cho bản thân và cho cả số phận của chồng, không biết ngày nào mới gặp lại nhau …Trong lúc tôi ở Fort Chaffee thì được tin của Red Cross cho biết anh Sơn đang ở Guam. Rất may không lâu sau đó gia đình được xum hợp và cuối cùng chọn Houston làm quê hương thứ hai.
Ngày Chiến Sĩ Trận Vong năm 2004 mang một sắc thái rất đặc biệt đối với tôi vì trùng vào Ngày Phù Đổng Thiên Vương - vị thánh tổ của binh chủng Thiết Giáp đơn vị mà chồng tôi đã phục vụ 20 năm liên tiếp qua rất nhiều chức vụ khác nhau. Điều vui mừng hơn nữa, chính ngày này, trong bửa cơm thân mật của gia đình Mũ Đen, tờ Đặc San KỴ BINH đầu tiên ra đời, đã mang đến cho mọi người một niềm vui thật lớn.
Hơn một phần tư thế kỷ đã qua đi với bao đổi thay của thế sự dòng đời. Nhưng những kỷ niệm dù nhỏ nhoi trong đời sống của một người “vợ lính” vẫn đầy ấp trong tâm hồn tôi, để mỗi khi nhớ lại vẫn thấy thương những người lính vô cùng, nhất là những người còn sống sau ngày 30/4/75.
Sơn Ca Bà Bà
(Riêng tặng các người vợ Lính Mũ Đen)