Sunday, March 29, 2020

Lá Thư Từ Xứ Phật


Mô Phật
Thầy thăm con. Con vẫn khỏe?
Thời điểm này thầy biết có thể con vẫn khỏe nhưng trong tâm thì.. không khỏe chút nào? Mỗi ngày, xem tin người ta rủ nhau về...''bên kia núi'' càng nhiều, là phụ nữ, vốn có nhiều hạt giống âu lo, sợ hãi, nên thầy hoàn toàn thông cảm về tâm lý hiện tại của con..
Hơn một tuần nay, nhiều Phật tử ở Mỹ nhắn tin bảo thầy về gấp, những câu như: ''Thầy ơi, sao giờ này thầy còn ở bển, chưa chịu về? '' thầy đọc tin, ghi nhận và chỉ trả lời bằng im lặng, dù không phải là không cảm kích trước sự lo âu của mọi người dành cho thầy...
Con bảo thầy về, vậy về đâu bây giờ hở con? Về đâu mà không bị chi phối bởi môi trường và hoàn cảnh? Thế giới bây giờ như những chiếc lồng chim, không bị nhốt cái lồng này sẽ bị nhốt cách ly ở cái lồng khác, có chăng cái lồng ở Mỹ nó có chút tiện nghi hơn, thế thôi! Các nước văn minh Âu Mỹ đều không an toàn nữa rồi, không an toàn không phải là thiếu tiện nghi, mà không an toàn trước cái gọi là Cộng Nghiệp. Kinh Pháp Cú Phật đã dạy:

'' Cho dù cao vút lưng trời
Cho dù đáy biển trốn thời được đâu!
Cho dù núp tận hang sâu
Không nơi nào thoát nhân sầu đã gieo..''

Nếu trong quá khứ thầy hay con đã lỡ ''gieo nhân sầu'' đến khi nó trổ quả thì chạy trời không khỏi.. nắng (khỏi dịch) cho nên thầy vẫn ở đây, vẫn ngồi yên gần Cội Bồ Đề đức Phật vì thầy Tin Sâu vào Nhân Quả của mình. Chỉ có thận trọng đề phòng dịch mà thôi chứ chạy trốn thì không thể được. Ngày xưa khi còn thuở bé, thầy chứng kiến mấy bà hàng xóm đứng bên hàng rào chửi nhau..'' Mày là độ mắc dịch!!'', ''mày là con dịch vật!'', thầy mắc cười, cứ nghĩ người ta nghĩ ra những câu quá quắt để chửi nhau cho hả dạ thôi, đâu ngờ bây giờ.. là sự thật...
- Trước cái chết, nhân loại đang âu lo thấp thỏm từng ngày. Khi có sự bình an đích thực, con người ta không cảm nhận rõ nó, bây giờ, hơn lúc nào hết, con người ý thức được Sự Bình An là tài sản không có bất cứ tài sản nào có thể so sánh được, điều này đức Phật cũng đã nói từ.. khuya rồi, mà mình có thật sự lưu tâm để ý và trân quý đâu!
Nói thật, trừ các bậc Thánh, chẳng ai là không sợ chết và thầy cũng không ngoại lệ, nhưng có điều một người có tu tập thì không quá sợ hãi đến nỗi hoang mang, bấn loạn, mất cả niềm tin vào mọi thứ.. Khi cái chết gần kề, là thước đo đạo lực tu hành một cách hùng hồn cho những ai trước giờ chỉ có ''tu ngoài da''. Vì vậy, sống An nhiên giữa những thăng trầm, chính là hoa trái của sự tu tập đấy con ạ!
- Hiện nay có 2 dạng tâm lý, một là quá sợ hãi trước cái chết, hai là khi nghe tin dịch tràn lan con người ta trở nên chai lì, buông xuôi, không thèm cảnh giác nữa và thế là họ sống như con thiêu thân. Thầy nguyện cầu cho nước Mỹ không bị cái tâm lý thứ 2 này thống trị, bởi vì ''nó chính là con Virus'' thứ 2 làm tiêu nước Mỹ đó con!
Có môt câu đức Phật dạy mà thầy rất thích, đai ý: Con không thể điều khiển mọi thứ đang xảy ra nhưng con có thể điều chỉnh thái độ khi chúng đến.'' Năng lực chính là đây.
Thầy mong con nên ghi nhớ câu này.
Thầy còn ở lại xứ Phật thêm một thời gian nữa. Trên lý tưởng phụng sự của người xuất gia thì bất cứ nơi nào trên hành tinh này cũng là quê hương. Trên lý tưởng giải thoát của người xuất gia thì bất cứ nơi nào trên cõi Ta bà này cũng đều là quán trọ. Thầy yêu thương cuộc đời và con người nhưng không dính mắc với cái'' quán trọ'' nào, và hạnh phúc của thầy chính là sự sẻ chia..
Mỗi ngày, con nên xem qua tin tức cho biết mà sống, nhưng đừng quá chú tâm focus vào, lệ thuộc vào News nhiều quá, lòng con sẽ bất an chứ không giài quyết được gì. Thái độ của người con Phật bây giờ chính là Thận trọng nhưng Đừng phức tạp hóa những gì đang diễn ra, nó chỉ khiến ta thêm buồn. Sự việc ngoài tầm tay, nghĩ đơn giản, sống đơn giản, rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười với bản thân một cách an lành..

'' Dặn nhau muôn sự vô thường
Bình tâm mà sống mà thương dịu dàng'', con nhé!

Thư này thầy viết riêng cho con mà cũng gửi chung cho nhiều tin nhắn. Thầy xin cảm niệm, chúc con và mọi người có được một nội tâm an tĩnh, giàu nghị lực, niềm tin và lạc quan để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này..
Tụi con nhớ dành thời gian tụng kinh, toa thiền, và góp lời cầu nguyện với thầy cho nhân hoàn, thế giới tai ách chóng qua đi..
Namo Buddhaya

Như Nhiên
Thích Tánh Tuệ
Bồ Đề Đạo Tràng Bihar- India
25/3/2020

.. Ai bảo nhà Sư không biết.. may!
Đường kim mối chỉ ý thương đầy..
Trong niềm thinh lặng ....


Thursday, March 26, 2020

Một Thuở Quân Trường

Hồi tôi mới nhập Trường bị te tua với những hình phạt dồn dập không hoàn hồn để chiêm ngưỡng vẽ đẹp uy nghi ngạo nghễ của TVBQGVN trên đồi 1515!
Thỉnh thoảng thấy bóng dáng quý vị mặc đồ veston trong lòng thầm nghĩ, mấy cha nội dân chính đó đi đâu lang thang trong này đây?                                                 
 Nhìn họ lại chạnh so sánh hình dáng của mình, thân tàn ma dại! Thú thiệt vào thời điểm đó lý tưởng gì trong tôi cũng mất, hào hùng gì cũng tiêu. Tôi như người máy tập đi, tập đứng, tập chạy, tập bò ...còn nhiều thứ tập lắm! Nói tập cho oai, thực ra là những hình phạt để đời, là hành trang đầu đời làm lính , nhớ mãi đến già.                                           
Nhờ lên SVSQ, mới lớn khôn hiểu từng câu chuyện một khi bạn bè cùng Khóa bù khú với nhau kể chuyện. Tao bị thế này mày bị thế kia. Đại đội tao bị phạt bò thê thảm cũng vì thằng X,Z,Y tà tà tập họp, đôi giày mới đánh bóng cùng tao bò trầy trụa trên đường nhựa...
Thời điểm đó tâm lý hể gặp đàn anh thì sợ. Bị móc ra trình diện thì coi như tinh thần bị khủng hoảng ngay lập tức. Đôi khi sợ qua đái trong quần hồi nào không hay?
Giờ đây nhìn hình ảnh Niên Trưởng Bùi Phạm Thành lại nhớ cái tôi lúc đó. Phải sau 4 năm nữa tôi mới được gần giống như Niên Trưởng ư? Chao ôi! Đường trường xa biết chừng nào tôi mới tới đó?
Khi tôi biết ngưỡng mộ quý Niên Trưởng thì mỗi một ngày trôi qua khoảng thời gian còn lại ở trong Trường của quí vị cũng ngắn dần, ngắn dần cho đến ngày quý vị mãn khóa, ngày chia tay. 
Thời gian thấm thoát để khi nhìn mấy anh khóa 31 tui bâng khuâng không ít. Rồi mai đây lại xa nhau, chắc phải luyến tiếc ngẩn ngơ cho mà xem!
Nào ai ngờ chúng tôi phải tức tưởi xa nhau khi chưa kịp tìm hiểu để truyền đạt thâm tình anh em Võ Bị như đàn anh 25 truyền sâu trong tâm khảm từng người 28.
Oan nghiệt một dân tộc, oan khiên một đất nước nửa đường đứt đoạn. Chí làm trai của chúng ta thời đó! Thôi cũng đành gián đoạn theo vận nước .Từng Khóa còn lại phải chia tay nghiệt ngã trong cơn binh lửa tới hồi kết thúc không theo ý nguyện.
Cám ơn bài viết nặng tình quân trường Võ Bị của Niên Trưởng Bùi Phạm Thành khiến nhiều CSVSQ như chúng ta chạnh lòng nhớ về một dĩ vãng oai hùng theo chân từng nhịp bước quân hành. Những hoài bão nuôi chí hiên ngang luôn vương vãi trong quãng đời còn lại.
Còn một chút gì để nhớ để thương, một thuở Quân Trường vương màu Alpha Đỏ.

CSVSQ Phạm Minh Hùng K28

Sunday, March 22, 2020

Vô Cùng Thương Tiếc Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
Út Bạch Lan E22

Chào kính từ trong trái tim mình. 
Bến cũ túy hà
Chủ Tịch BCH/Văn Bút Nam Hoa Kỳ

Tướng Lê Minh Đảo
Nguyên Tư Lịnh Sư Đoàn 18
Nguyên Tổng Đà Chủ Tổng Đà Bến Cũ Hải Ngoại

MỘT VÌ SAO CHỢT TẮT
Kính vọng bái Hương Linh
Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo
Vừa tạ thế ngày 19-3-2020

Một vì sao sao khuya chợt tắt
Khi bóng tối còn triền miên
Phủ trùm quê hương thống khổ
Khắp nơi chỉ một màu đen

Gấm vóc giang sơn còn đó
Còn cần đến những đôi tay
Diệt trừ hết loài giặc đỏ
Dân tộc thoát kiếp lưu đày

Xuân lộc vang danh một thuở
Thề quyết bảo vệ quê hương
Thế thời , nên đành phải thế
Ôi! Danh tướng cũng đoạn trường

Người là một vì sao sáng
Chợt tắt trên bầu trời cao
Giọt nước mắt nào rơi xuống
Hay giọt máu thấm chiến bào?

Mang sống kiếp sống tù lao
Lòng con “nhớ Mẹ” dạt dào mẹ ơi!

 “Nhớ Mẹ” tác giả Lê Minh Đảo

Friday, March 20, 2020

Ngày Này Năm Xưa: Vì Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn I?


Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp, tôi vào tới Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có  mình tôi vào gặp Tổng thống và Thủ tướng (Trần Thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra không có ai khác. Thường lệ khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầy đủ mặt các vị Tư lệnh Quân đoàn và Tư lệnh các quân binh chủng khác. Lần nầy thì chỉ có một mình tôi. Tôi thắc mắc lo lắng. 

Nhưng khi Tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông ta là phải rút bỏ Quân đoàn I ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng, và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi. Thật ra, lúc đó tình hình tại Huế, Quảng Ngãi và Ðà Nẵng tuy có hơi nặng nề vì địch tấn công liên tiếp, tuy nhiên tôi đủ sức chống giử và sẽ tăng cường Sư đoàn Dù cùng với Thuỷ Quân Lục Chiến ra nhửng vùng đó để lấy lại ưu thế. Tôi trình bày cặn kẽ nhửng ý kiến của tôi lên Tổng thống và Thủ tướng nhưng không được chấp thuận. 
  
Lệnh bất dịch di là: Phải rút khỏi Quân đoàn I càng sớm càng hay. Trở ra Quân đoàn I, tôi cho triệu tập tất cả các Tư Lệnh Sư đoàn để họp. Thái độ khác thường của tôi làm các Sĩ quan trong buổi họp hôm đó có vẻ nghi ngờ, thắc mắc. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ hỏi sơ qua tình hình và nói vu vơ quanh quẩn. 

 Chứ làm sao tôi ra lịnh thẳng khi chỉ với một mình tôi là Tư lệnh Quân đoàn mà thôi. Vì vậy, cuộc họp hôm đó chẳng mang lại một kết quả nào mà tôi mong muốn. Lệnh của Tổng thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân đoàn I vào ngày 13 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên. Lấy Quốc lộ 22 làm ranh giới Việt Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên. 
  
Cái lẩm cẩm của trung ương là không cho các thuộc cấp biết ý định của mình. Nghĩa là các Tư lệnh các quân binh chủng, Tổng Bộ trưởng, Tư lệnh Sư đoàn, v.v… đã không biết gì về lệnh rút quân của Quân đoàn I và II cả. Lệnh nầy chỉ có Tổng thống và Thủ tướng, Ðại tướng Cao Văn Viên, tôi (Tư lệnh Quân đoàn I) và Tư lệnh Quân đoàn II (Tướng Phạm Văn Phú) biết mà thôi. Do đó thiếu sự phối họp chặt chẽ giửa tham mưu và các cấp, không có kế hoạch rút quân đàng hoàng, lệnh đột ngột không có đủ thì giờ để xếp đặt kế hoạch, gây hoang mang cho binh sĩ, nhất là khi gia đình họ cũng không được bảo vệ đúng mức thì làm sao tránh khỏi hoang mang? Ai cũng lắng nghe tin tức thân nhân ở bên ngoài doanh trại. Thêm vào đó, tin tức Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum bị chiếm, Huế bỏ ngỏ, dân chúng Huế chạy vào Ðà Nẵng ngày một đông gây cảnh xáo trộn kinh hoàng cho dân Ðà Nẵng. Rồi sau đó là Chu Lai bị áp lực nặng. 
  
Tôi ra lệnh cho Tướng Trần Văn Nhựt rút Sư đoàn 2 từ Chu Lai ra trấn tại Lý Sơn (Cù Lao Ré)  để kiểm soát đường bể, sợ địch ra chiếm đóng đường biển thì sẽ khó khăn. Trong khi đó, cảnh hổn loạn đã xảy ra phần lớn do dân chúng hốt hoảng từ chổ nầy sang chổ khác làm cho binh sĩ nao núng và chạy cùng theo thân nhân. Mở miệng ra lệnh cho họ rút quân, trong khi mới hôm qua với lòng sắt đá và giọng nói cứng rắn hằng ngày buộc anh em phải giử không để mất một cục sỏi ở Vùng I. 
  
Sau đó tôi suy nghĩ kỷ hơn. Tôi quyết định gọi Ðai tướng Cao Văn Viên nhờ xin Tổng thống cho tôi được dùng mọi cách để giử Huế và Vùng I. Làm sao tôi bỏ Huế và Vùng I được? Làm sao tôi bỏ được vùng đất sỏi đá nầy mà bao nhiêu chiến hửu của tôi đã đổ máu để gìn giử? Nhất là trong vụ Mậu Thân. 
  
Tổng thống Thiệu rung động, chấp thuận cho tôi giử Huế. Sáng 18 tháng 3 năm 1975, tôi ra Huế gặp Tướng Lâm Quang Thi (Tư lệnh phó Quân đoàn) chỉ huy tại Huế. Tôi ra lệnh: Giử Huế cho thật vửng. Chiều  hôm đó về đến Ðà Nẵng, tôi nhận được một lệnh do Ðại tướng Cao Văn Viên, thừa lệnh Tổng thống yêu cầu tôi “bỏ Huế”. Thật làm tôi chết lặng người. Vì mới buổi sáng nay ở Huế tôi ra lệnh cho Tướng Thi giử Huế. Bây giờ đột nhiên được lệnh bỏ thì tôi biết nói làm sao với Tướng Thi và anh em binh sĩ. 
  
Nhưng vẫn phải đành thi hành theo lệnh trên. Tôi gọi điện thoại thông báo  lệnh bỏ Huế cho tướng Thi. Tướng Thi trả lời ngay: “ở Huế bây giờ xã ấp phường khóm tốt quá, đâu đâu tình hình cũng tốt cả mà tại sao anh bảo tôi bỏ là bỏ làm sao? Tôi buồn bã trả lời: “Tôi biết rồi, nhưng xin anh bỏ Huế giùm tôi. Ðó là lệnh trên, không bỏ là không được”. Kết quả là Tướng Thi thi hành lệnh, bỏ Huế, và dồn quân đến cửa Thuận An để được tàu Hải quân rút về Ðà Nẵng. 
  
Trong khoảng thời gian từ 13 đến 18 tháng 3, hàng đêm tôi gọi điện thoại cho Thủ tướng Khiêm và báo cáo mọi biến chuyển từ công việc hành chánh đến quân sự. Tình hình khó khăn, địch tấn công, mà lại thêm cái lệnh phải rút càng sớm càng tốt, lan truyền rỉ rả cho nên binh sĩ và công chức hết sức xôn xao. Tôi báo cáo mọi việc và xin Thủ tướng ra quan sát tình hình. Sáng 19 tháng 3, 1975, Thủ tướng Khiêm đến, tôi cho họp tất cả vị Tư lệnh Sư đoàn, Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Bộ tham mưu, và các Trưởng phòng sở của hành chánh để Thủ tướng nói chuyện. 
  
Trước khi Thủ tướng đến, tôi đã nói chuyện với anh em có mặt tại hôm đó rằng tình hình khẩn trương, anh em phải nói lên sự thật đang xảy ra trong thực tế tại nơi nầy để Thủ tướng biết rỏ tình hình và giải quyết cấp thời, chứ đừng có giử thái độ “trình thưa dạ bẩm” trong lúc nầy nửa. Phải thẳng thắn mà nói lên sự thật. Nhưng sau khi Thủ tướng nói chuyện xong, đến phần thắc mắc thì cũng chẳng có ai nói gì cả. Tôi rất buồn vì anh em không chịu nghe lời tôi để nói cho Thủ tướng biết nhửng sự thật về tình hình hiện nay. Duy chỉ có một mình Ðại tá Kỳ , tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị, có hỏi một câu: “Thưa Thủ tướng, trong mấy ngày vừa qua, có một số công chức đã tự ý rời bỏ nhiệm sở không đến làm việc, thưa Thủ tướng, phải dùng biện pháp gì để trừng phạt nhửng người đó? Câu hỏi thật hay, nhưng Thủ tướng không trả lời và lảng sang chuyện khác. Vì Thủ tướng làm sao nói được khi lệnh trên đã muốn giải tán Quân đoàn I và Quân khu I càng sớm càng tốt. 
  
Ðúng ngày 22 tháng 3 năm 1975, tôi được lệnh rút Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến về giử Nha Trang. Ngày 29 tháng 3, cộng quân tràn vào Ðà Nẵng với nhửng trận giao tranh nhỏ. Tôi được chiến hạm HQ404 đưa về Sài Gòn. Trên tàu cũng có một Lử đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Khi tàu chạy ngoài khơi, Tổng thống Thiệu liên lạc yêu cầu tôi ra tái chiếm lại Ðà Nẵng. Tôi trả lời ngay là bây giờ tôi lấy ai để theo chân tôi tái chiếm Ðà Nẵng? Lính tráng đã phân tán mổi người một nơi. Cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát. Làm sao tôi có thể làm chuyện đó (tái chiếm Ðà Nẵng) được? Sau đó tôi được lệnh cho Hạm trưởng ghé tàu vào Cam Ranh, bỏ hết Thuỷ Quân Lục Chiến xuống, rồi chỉ chở một mình tôi về Sài Gòn. Tôi không chịu mặc dù lúc đó tàu đã cập bến Cam Ranh rồi. 
  
Tôi nhờ Hạm trưởng gọi về Bộ Tổng tham mưu xin cho anh em Thuỷ Quân Lục Chiến được về Sài Gòn tĩnh dưỡng nghỉ ngơi cùng tôi. Còn nếu không thì tôi sẽ ở lại Cam Ranh và đi theo anh em Thuỷ Quân Lục Chiến và cùng nhau chiến đấu. Sau đó, Sài Gòn bằng lòng cho tàu chở tất cả về Sài Gòn. 
  
Về đến Sài Gòn tôi được bổ nhiệm vào Bộ Tư lệnh Hành quân lưu động ở Bộ Tổng tham mưu. Khi vào đây, tôi gặp Phó Ðề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải) và Chuẩn tướng Nguyễn Văn Khánh (Tư lệnh  Sư đoàn 1 Không quân) đang ngồi viết bản tự khai, và Trung tướng Thi thì bị phạt quản thúc về tội bỏ Huế. Tôi không hiểu vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy. Họ đâu có tội gì. Họ chỉ thi hành theo đúng lệnh mà lại bị phạt thì quả thật bất công. 
  
Tướng Thi thực sự là người chống lại việc bỏ Huế. Lúc trước, khi nghe tôi cho biết là Tổng thống đã ra lệnh bỏ Huế thì Tướng Thi đã trả lời thẳng với tôi rằng: “Xã ấp tốt quá mà bỏ làm saỏ”  Vậy mà bây giờ ông lại bị phạt giam quản thúc. Nhửng vị tướng nầy bị phạt quá oan uổng vì họ xứng đáng gấp mấy trăm lần nhửng ông Tướng phe` phỡn tại Sài Gòn. 
  
Hôm sau, trong buổi họp tại Bộ Tổng tham mưu, tôi có nói rằng: “Việc phạt Tướng Thi và hai Tướng Thoại và Khánh là không đúng. Họ chỉ là thuộc cấp của tôi. Họ chỉ làm theo chỉ thị của tôi mà thôi. Họ không có tội gì cả. Nếu có phạt thì xin hãy phạt tôi đây này.”  Phòng họp lặng ngắt. Ðại tướng Viên nhìn qua Trung tướng Trần Văn Ðôn. Tướng Ðôn mới đi Pháp về, mới đảm nhận chức Tổng trưởng Quốc phòng. Có thể vì vậy mà Tướng Ðôn mới không biết là Tổng thống Thiệu đã trực tiếp ra lệnh cho tôi bỏ Huế, nên Tướng Ðôn làm đề nghị phạt Tướng Thi vì đã bỏ Huế mà rút lui. Mà Tổng thống Thiệu lại không dám nói sự thật với Tướng Ðôn, và chỉ ký lệnh phạt. Sau đó, Tướng Lê Nguyên Khang, với giọng giận giử đã buột miệng nói: “Anh em chúng tôi không có tội tình mẹ gì cả!”. 
  
Tiện đây, tôi cũng xin nói về trường hợp ra đi của Tướng Thoại và Tướng Khánh. Là vị Tư lệnh trong tay có đến hàng ngàn lính, hàng trăm chiến hạm lớn nhỏ, nhưng tội nghiệp thay, sau khi hổn loạn, Tướng Thoại đã bị bỏ quên không ai chở đi khỏi Bộ Tư lệnh ở Tiên Sa, và ông đã phải đi bộ qua dãy núi phía sau bờ biển. May nhờ có một chiếc tàu nhỏ của hải quân mà anh em trên tàu lúc đó cũng còn giử kỷ luật, thấy Ðề đốc Thoại ở đó, họ ghé vào chở Tướng Thoại đi chứ nếu không lại cũng chẳng biết sau này sẽ ra sao. Còn Tướng Khánh, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân đã không đủ nhiên liệu để bay xa mà phải đáp trực thăng tại một bãi cát ở Sơn Trà rồi lội ra tàu. Cũng may lúc đó gặp tàu HQ404 và đã cùng tôi về Sài Gòn.  

NGÔ QUANG TRƯỞNG