Cho đến hôm nay trong buổi chiều sắp
tàn, của một mùa Xuân cũng sắp tàn, nàng mới trở lại nơi mà thời son trẻ nàng
đã có biết bao kỷ niệm. Những buồn vui một thuở nàng bỏ lại, đã nhiều năm trôi
qua nhưng ký ức không hề bị lãng quên, nó chỉ lắng xuống sau sóng đời xô đẩy,
và giờ đây lớp bụi thời gian chợt bong vỡ, lộ ra những gì bị che phủ bởi nó.
Lâu lắm rồi nàng mới trở lại nơi
này, vùng đất đã lưu giữ của nàng những kỷ niệm đầu. Giữ cả những buổi sáng
sương giăng như khói tỏa hoen mờ cảnh vật, và con đường đưa bước chân nàng hấp
tấp đến trường trong những buổi sáng mà mặt trời lên không xua nổi hơi lạnh bủa
vây. Nàng không muốn quay lại, vì Đà Lạt đã không giữ cho nàng những người thân
thuộc. Họ đã rời khỏi vùng đất này, chỉ để lại trong trí nhớ của nàng những
hình ảnh đôi lúc ngỡ như gần nhạt phai.
Đà Lạt đón nàng bằng một cơn mưa.
Người Đà Lạt nói bây giờ thời tiết cũng khác xưa, mưa trái mùa và không khí có
lúc cũng khá oi bức. Nhưng rồi ngày mưa cũng qua, bầu trời lộ ra xanh thẫm với
những vạt mây trắng dạt về phía chân trời.
Nàng không đi chung với đoàn du
lịch, nàng muốn một mình dạo bước trên những lối xưa dù quang cảnh đã quá thay
đổi không còn như xưa nữa. Sau hết nàng thả bộ ra bờ hồ Xuân Hương. Chỉ có ở
đây nét quen đặc biệt ít thay đổi, vẫn hàng thông quanh hồ, bờ cỏ xanh mượt và
làn gió nhẹ thổi lên từ mặt hồ, nắng vàng làm buổi chiều chợt ấm và những chiếc
Pedalo chầm chậm trôi trên mặt hồ êm.
Nàng ngồi xuống một bồn cây dưới tàn
thông rộng che bóng.Thời gian ngưng đọng lại cùng với suy nghĩ của nàng, cho
đến khi cái nhìn bâng quơ của nàng chạm phải người đàn ông đang lững thững đi
tới gần chỗ nàng ngồi, dáng đi nặng nề vì chân của ông có vẻ bị thương tật,
không bình thường.
Khi ông đứng lại, ngập ngừng ngay
chỗ nàng đang ngồi. Nàng tự nhiên cúi chào:
- Ông có cần ngồi nghỉ chân một lát
không ạ?
- Chào bà. Nhiều người…nhanh chân
quá, họ đã giành hết chỗ nghỉ chân “của tôi”.
Nàng nhổm sang một bên tỏ ý nhường
chỗ, dù vòng tròn bồn cây chỉ có một mình nàng.
- Sau những ngày mưa, nắng bao giờ
cũng đẹp hơn (Người đàn ông nói bâng quơ, cũng có thể là nói với nàng).
- Dạ! Và nắng ở đây luôn dịu dàng
hơn những nơi khác…
- Bà là người Đà Lạt chứ?
- Tôi không phải người Đà Lạt, nhưng
tôi đã sống ở đây nhiều năm trong thời học sinh.
- Ồ! Tôi cũng thế. Tôi đã được hít
thở bầu không khí trong lành ở đây chính xác là bốn năm, thuở chuẩn bị bước vào
đời…
Rồi dường như họ không biết nói gì
với nhau nữa. Riêng nàng thả trôi ý nghĩ của mình về vùng ký ức:
Người đàn ông chợt nói trống không,
kéo nàng ra khỏi hồi ức:
- …bây giờ thật khó tìm thấy nét dịu
dàng, e ấp ở một thiếu nữ như ngày xưa!
Trong khi chỉ có nàng ngồi gần, nàng
xem như ông nói với mình nên nàng lên tiếng:
- Thời xưa? Là lúc nào ạ?
- …Lúc tôi còn trẻ!
Nàng nhìn một nhóm thiếu nữ vừa
ngang qua, những cái quần short và váy quá ngắn, còn áo thì cũn cỡn, rộng cổ.
Nàng hiểu lý do câu buột miệng của người đàn ông.
- Xã hội càng ngày càng văn minh,
cần một cái nhìn dễ dãi hơn về mọi vấn đề thưa ông. Còn chúng ta thuộc lớp
người đã già rồi…
Người đàn ông cười khẽ:
- Dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi vẫn tiếc
cái thời mà nhìn qua cách phục sức, người ta có thể đoán ra tư cách, thành phần
nào.
Nàng chuyển câu chuyện:
- Xin hỏi, ông từ phương xa về?
- Vâng! Tôi muốn về thăm lại ngôi
trường mẹ. Nơi đây cũng đã cho tôi những ngày hạnh phúc…
Nàng cười, nói đùa:
- …và về để tìm lại một kỷ niệm tình
yêu của thời trai trẻ nữa chứ?
Người đàn ông bật cười:
- Bà có vẻ rành tâm lý quá nhỉ?
- Thời trẻ ai cũng vậy mà. Tôi cũng
thế thôi. Có một thời tôi đã yêu biết mấy con đường về Thái Phiên…
Họ tự nhiên cởi mở hơn, người đàn
ông nói:
- Có vẻ chúng ta có cùng một điểm
chung. Nếu tôi đoán không lầm thì bà có người… quen là niên trưởng hay niên đệ
của tôi?
- Thì cứ cho là vậy, nhưng người ấy
đã ra đi không về…
- …Chuyện của bà xảy ra không ít
trong thời ấy, vì “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? ”…
- …Tôi chưa nói hết ý, rằng từ khi
người ấy giã từ khung trời này thì cũng bặt tin. Và tôi cũng biết “Xưa nay
chinh chiến mấy ai về!” nên tôi vẫn hằng cầu nguyện chiến trường đừng
cướp mất người ấy.
- Mong rằng lời cầu nguyện của bà
linh hiển. Nhưng chúng tôi ngày ấy lên đường không sợ cái chết. May mắn thì trở
về lành lặn, không thì như tôi đây, một chân đã gởi lại chiến trường…
Nàng quay đầu nhìn vào mắt người đàn
ông:
- Tôi chỉ có thể nói… (Giọng nàng
trầm xuống đầy xúc động) Cám ơn ông! Tôi chợt nghĩ đến người năm xưa,
không biết bây giờ ra sao…
- Bà vẫn nhớ đến người ấy trong ngần
ấy năm ư?
- Không! Tôi cũng như nhiều người
phụ nữ khác khi có gia đình thì toàn tâm, toàn ý lo cho gia đình của mình. Câu
chuyện cũ từ lâu lặn khuất trong lòng. Bỗng hôm nay đứng trước khung trời cũ,
những hình ảnh xưa chợt trở lại và tôi thấy như mình đang trong cảm giác chờ
đợi, với một chút thú vị vì nghĩ, mình cũng có những kỷ niệm tô điểm cho ký ức.
Người đàn ông thấy một sự cảm thông
chan hoà với người vừa tình cờ gặp gỡ. Nàng dịu dàng và thân thiện biết bao:
- Xin hỏi tên của bà là gì được không?
Biết đâu có lúc gặp lại...
- …tên tôi ư? Cùng tên một loài hoa
đặc trưng của Đà Lạt!
- Anh Đào?
Nàng cười, ánh mắt xa xăm:
- ...Mimosa!
Cũng vừa lúc đó, chuông điện thoại
trong túi nàng vang lên một khúc nhạc. Nàng lấy máy xem và nói nhanh:
- Xin phép ông, người nhà đang gọi
tôi...
Nàng rời vị trí đứng lên, sau khi
cúi chào tạm biệt. Người đàn ông chưa kịp phản ứng gì, nàng đã rảo bước nhanh,
vừa đi vừa đàm thoại.
Sau câu trả lời “…Mimosa!”,
trong đầu người đàn ông cũng thoáng hiện ra hình ảnh về một thiếu nữ của một
thời xa xăm khi ông còn là một chàng trai trẻ đến vùng đất này rèn luyện để
theo nghiệp kiếm cung. Ngày ấy đã xa lắm nhưng ông còn nhớ “…Để không cô đơn
và có niềm vui trong một chúa nhật nào đó được phép ra phố, tôi đã tìm cho mình
một 'Em gái hậu phương' để có những buổi hẹn hò, và tôi cũng đã gặp một nữ sinh
rất dễ thương, tâm hồn nàng thật trong sáng, thánh thiện. Chính tôi đã gieo vào
trái tim nàng hạt mầm tình yêu, nhưng không thể vun xới cho nó tốt tươi, cũng
như không có cách nào dừng lại. Nơi quê nhà tôi đã có đính ước với một người,
và người ấy đang chờ tôi trở về. Thế rồi khi tôi rời xa Đà Lạt, đó là 'cơ hội'
để tôi chấm dứt với người con gái mà tôi gọi là Mimosa! Một kỷ niệm đẹp nhưng
không kém phần ray rứt từ lâu ngủ yên trong lòng, hôm nay chợt choàng thức…”
Mimosa! Là Anh Đào đó ư?
Người đàn ông đứng lên, nhìn theo
người phụ nữ đã đi một đoạn khá xa lên phía khu Hòa Bình, mà ông không thể đuổi
theo hay gọi nàng lại, dù là gọi rất to cũng chưa chắc nàng đã nghe.
Như một viên sỏi đã ném vào lòng hồ
mất tăm, việc tìm thấy lại nó là việc không tưởng. Ông đứng sững yên, nhìn về
hướng nàng vừa khuất sau những dòng xe, sau những hình ảnh ùa về trong trí nhớ,
muộn màng!
Hồ
Thụy Mỹ Hạnh
(Đặc San Lâm Viên)