Monday, September 27, 2021

SỐNG CÒN VỚI COVID - CSVSQ Quan Minh Tấn K25


LGT: Xin giới thiệu bài viết SỐNG CÒN VỚI COVID của CSVSQ Quan Minh Tấn K25 để chia sẻ những kinh nghiệm và sức phấn đấu của bạn đối với căn bệnh dịch quái ác đầy nguy hiểm của thế kỷ mà bạn đã trải qua trong thời gian gần đây. Thân chúc bạn sớm hồi phục sức khỏe - Dalat25

                                                          ****

 

Hôm nay tôi muốn kể lại một mảng đời thật mà tôi vừa trải qua, một mảng đời ghi lại một trận chiến đánh trả cam go với Covid, một mảng đời chống cự lại cơn bạo bệnh lịch sử hiện đại của nhân loại mà một con người nhỏ bé như tôi đã đối diện suốt 2 tuần lể tại bệnh viện Torrance Memorial Hospital và hậu quả chưa hoàn toàn chấm dứt sau khi rời khỏi bệnh viện.
Những dòng này chỉ cốt chia sẻ kinh nghiệm cũng như ghi lại một quảng thời gian ngắn đó của đời tôi.

Từ nhỏ tôi đã từng nghe Andre Gide, một nhà văn Pháp, nói rằng "La vie ne vaut rien mais rien ne vaut une vie", có nghĩa rằng cuộc đời không đáng giá gì cả nhưng không có gì đáng giá bằng cuộc đời. 

Hay như nhà văn Mỹ Ernest Hemingway đã viết "But man is not made for defeat. A man can be destroyed but not defeated." có nghĩa rằng con người có thể bị tàn tạ nhưng không nào bị khuất phục.

Nêu ra 2 câu nói này tôi muốn nói đến ý chí đã dẩn dắt tôi vượt qua bệnh tật mấy ngày vừa qua. 

Trong giấy xuất viện của tôi ngày 16 tháng 09 năm 2021, bệnh viện ghi rỏ "You have been treated for corona virus and respiratory failure" và không muốn mất thì giờ, đây là những gì tôi muốn kể lại. Ngày 2 tháng 8 khi gia đình của em vợ tôi có kết quả dương tính với virus Sars-coV-2, dù không ở chung một nhà nhưng vợ chồng tôi cùng đi test Covid ở clinic gần nhà. Hai ngày sau, kết quả âm tính.Yên tâm ! 

Sáng ngày 27 tháng 8, tôi linh cảm một điều gì không lành khi nghe đau ran ở cổ họng. Lập tức tôi đi lấy test Covid nhưng lần này tôi phải đợi 5 ngày mới có kết quả  vì số lượng người đi thử rất đông. Tôi nghĩ rủi ro có bị dương tính chắc hẳn họ sẽ báo cho mình sớm hơn qua điện thoại hay E mail.

Ngày 28 tháng 8, tôi cảm thấy nhức đầu và kéo dài liên tục đến vài ngày sau và chỉ tạm thời yên ổn khi dùng Tylenol 500mg. Nhiệt độ đo bằng nhiệt kế digital dưới 99 độ F.

Ngày 29 tháng 8, tôi cảm thấy thêm triệu chứng ớn lạnh(chilly). Buổi chiều bà xã tôi cho xông hơi lần thứ 1.

Ngày 30 tháng 8 tình trạng không suy giảm. Buổi chiều xông hơi lần thứ 2 và uống Tylenol 500 mg cầm cự tránh sốt.

Ngày 31 tháng 08, tiếp tục nhức đầu và mệt mỏi.Vẫn chưa có kết quả Covid test.Tôi gọi cho bác sĩ gia đình để khai bệnh nhưng do không sốt cao, bác sĩ cho rằng chưa chắc bị nhiễm Covid.Tiếp tục xông hơi lần thứ 3.

Ngày 01 tháng 9 tôi cảm thấy ăn không còn ngon miệng , con tôi mua cho tô bò kho chỉ ăn được vài miếng dù rất đói. Tôi gọi điện thoại và E mail cho clinic để hỏi kết quả nhưng không thấy hồi đáp.Tiếp tục xông hơi lần thứ 4.
Diển biến phức tạp bắt đầu :

Sáng ngày 2 tháng 9, dù chưa bị khó thở nhưng tôi quyết định đi cấp cứu vì hai lý do: không ăn uống được và không ngũ được. Bà xã tôi đưa tôi đến Emergency  Room của bệnh viện Torrance Hospital ở thành phố Torrance, CA lúc 5 giờ 11 phút sáng.Y tá trực làm thủ tục sơ khởi và đưa tôi vào giường bệnh đồng thời yêu cầu bà xã tôi ra về. Phải đến 2 tuần lể sau mới gặp lại, xem như cách ly từ giây phút đó.
Các con số bệnh lý ban đầu ở Emergency  Room:

- Nhiệt độ 103 độ F(39 độ 4 C)

- Huyết ấp cao 150/90

Phòng cấp cứu tiến hành thử máu, chụp hình phổi, thử Covid test. Bác sĩ trực đến nghe phổi và tim và hỏi một vài câu hỏi như có travel đâu không hay các triệu chứng tôi cảm nhận vài ngày qua.
Khoảng hơn 08 giờ sáng, bác sĩ trực trở lại trịnh trọng nói với tôi rằng " Mr. Quan, chúng tôi vừa mới gọi điện thoại cho bác sĩ Nam Lai, là bác sĩ gia đình của ông, và đã báo cho ông ấy biết ông đã có kết quả dương tính với Covid! Chúng tôi đang
làm thủ tục nhập viện để bắt đầu điều trị bệnh cho ông ".

Tôi nghe tin này thật sửng sờ, cảm thấy một bầu trời đen tối đang sụp đổ trước mặt tôi.Tại sao tôi có thể nhiễm virus Sars-coV-2 khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như chích ngừa 2 lần, đeo mask ở nơi công cộng hay rửa tay hand sanitizer thường xuyên.

Khoảng 8 giờ 30 phút tôi được chuyển đến phòng 3101(lầu 3 của bệnh viện) thuộc khoa nhiễm trùng để khởi đâu trị bệnh. Phòng bệnh khá rộng rải với 1 giường bệnh và một ghế dựa, 1 restroom, 1 monitor cho y tá và ngay trước mặt trên tường có sẳn TV được điều khiển chung cùng một remote gọi y tá khi cần. Cả giường bệnh và ghế dựa đều gài alarm để bệnh nhân không được tự tiện bước xuống đất mà phải gọi y tá để được giúp đở. Lúc đầu chưa biết, có lần tự động đứng dậy đi tiểu alarm kêu inh ỏi khiến y tá hối hả chạy đến xem chuyện gì đang xảy ra.Tôi phải xin lổi họ vì hành động này.
Nói về đội ngũ y tá ,mổi ca trực có 2 người, một RN(Registered Nurse) và một Assistant Nurse, họ rất tốt, ân cần và nhiệt tình vui vẽ. Khi tiêm chích hay cho uống thuốc, họ đều thông báo đó là thuốc gì và công dụng của từng loại thuốc.
Bác sĩ điều trị ở khoa nhiễm trùng gồm 3 người :
- Dr. Kevin Mak: bác sĩ nội trú bệnh viện.
- Dr.Vladimir Labalo: bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiễm trùng
- Dr.Eric Milefchik: bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiễm trùng.

Đặc biệt có một lần bác sĩ Milefchik đã đến khám phổi và tự tay ông đã tiêm insulin và steroid , cho tôi uống thuốc buổi sáng vốn dĩ đó là công việc của y tá.
 Các con số ban đầu ở phòng 3101
 -  Đường huyết 308
 - Huyết áp 150/85
 - Oxy 95%
Phương cách điều trị: Bác sĩ quyết định chuyền 5 liều Redemsivir (200 mg/ngày) trong 5 ngày từ 2 đến 6 tháng 9. Đây là liều lượng tối đa cho một bệnh nhân Covid, thuốc được vô bằng đường tỉnh mạch và kéo dài hơn một tiếng cho một lần. Các loại thuốc khác hổ trợ thêm gồm: Steroid tiêm 2 lần/ngày để chống đông máu, chống viêm được tiêm vào bụng, Insulin 4 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều và tối gồm 1 mủi vào bụng và 1 mủi và tay cho mổi tiêm. Ngoài ra tiếp tục uống thuốc huyết áp, thuốc giảm cholesterol, thuốc nhuận trường và pepcid. Ngày 07 và 12 tháng 9 được tiêm 2 liều Lasix để tăng lượng nước tiểu.
Trong suốt thời gian nằm viện được chỉ định chụp X ray thêm 2 lần vào ngày 5 và 8 tháng 9 để xác địng có bị pneumonia hay không.

Ăn uống theo tiêu chuẩn consistant carbonhydrate  như hạn chế  ăn  cơm ,bánh mì trắng, khoai tây, kẹo bánh ngọt....Hằng ngày tôi phải gọi order ăn sáng, trưa và chiều 3 lần để đặt món ăn căn cứ vào menu của bệnh viện gồm 1 món ăn chính, 2 món ăn phụ, 1 món trái cây và 1 món uống. Thức ăn nấu cũng khá ngon miệng mà trong đó có 3 món mà tôi thích là: Tofu Stir Fry (đậu hủ xào rau cải), cá salmon chiên và pasta (mỳ ống ).
Đường huyết thay đổi liên tục dao động từ 160 đến 280 , không lần thử nào giống nhau và được check trước mổi bửa ăn.
Bắt đầu từ ngày 4 tháng 9 trở đi ,tôi không còn sốt và những cơn nhức đầu bị đẩy lùi.Đồng thời huyết áp trở lại bình thường và ổn định.Tuy nhiên độ oxy trong máu giảm mạnh.Tôi luôn cảm thấy khó thở hơn , không thể nào hít một hơi dài như trước.Độ oxy trong máu là  một yếu tố duy nhất y tá theo dỏi 24/24 và cứ mổi lần oxy tuột dưới 90% là máy kêu lên liên tục cho đến khi phục hồi trên 90%.
Trưa ngày 4 tháng 9 sau khi ăn trưa xong, toàn thân tôi mệt mỏi , hơi thở ngắn (short of breath ), oxy giảm dưới 90 % , y tá bắt đầu cho tôi thở oxy trợ lực qua ống cao su vào mũi với lượng 6 lit/phút.Tình trạng này kéo dài liên tục đến ngày 11 tháng 9. Đôi khi, nhất là phải đứng dậy đi tiểu , y tá phải chụp thêm mặt nạ để tăng cường vì thở qua ống cao su không đủ.Từ ngày 11/09 hơi thở có khá lên nên y tá giảm xuống 4 lít/phút, sau đó 2 lit/phút vào ngày 13/09 và đến ngày 15 /09 chỉ còn 1 lít/phút qua đường mũi.
Khoảng thời gian 7 ngày trên là thời gian chiến đấu gian nan để giành giựt từng hơi thở với corona virus căng thẳng nhất. Có trải qua nổi khổ này mới biết tinh thần mình mau suy sụp, mất phương hướng dễ dàng. Muốn lượng oxy ổn định, y tá bắt buộc tôi phải nằm sấp (prone position) không được nằm ngửa. Suốt từ sáng đến tối , tôi phải nằm tư thế này trừ giờ ăn. Điều đó làm tôi khó chịu vô cùng vì giường bệnh nằm ngang không thoải mái cho tư thế nằm sấp và các ngón tay luôn bị tê. Cả ngày lẫn đêm không được nghĩ ngơi thoải mái nên con người hoàn toàn kiệt quệ, ý chí tuột dốc, nhất là về đêm, nằm một mình trong bóng tối, tôi đã có ý định buông xuôi, bỏ cuộc.
Xin mượn hai câu thơ truyện Kiều sau đây đã diển tả tâm trạng của tôi lúc đó:  

Chung quanh lặng ngắt như tờ

Nổi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai

Cũng lúc này tôi ho rất nhiều, loại ho khô khan mà không làm sao ngăn được. Có đêm thấy ho không ngớt, y tá cho uống một chút thuốc ho nhưng chỉ êm hơi vài tiếng. Nói chuyện điện thoại cứ đi kèm một câu nói là một tràng ho.
Ý nghĩ buông xuôi đó vụt mất đi khi nghĩ đến gia đình, đến người thân đang cổ vũ ,khuyến khích mình vượt qua đại nạn, tôi tập trung hết ý chí phấn đấu vượt lên đánh tới cùng với virus vốn đang bám víu vào buồng phổi của mình.
Ngày 15 tháng 9, bác sĩ Kevin Max đến thăm và khám bệnh. Sau khi check tình trạng bệnh lý, ông công bố quyết định cho tôi xuất viện vào ngày hôm sau. Nhưng trước khi về, tôi phải trải qua breathing test để xem không thở oxy qua mũi tôi có thể chịu đựng được bao lâu. Test kéo dài khoảng 5 phút và tôi được phép xuất viện về nhà kèm theo 1 bình oxy sử dụng từ bệnh viện tới nhà và 1 máy oxygen concentrator tạm dùng trong 2 tuần lễ.

Nằm bệnh viện 2 tuần lễ, mệt mỏi và chán nản, nghe tin được trở về nhà tịnh dưởng đã gây sự xúc động mạnh mẽ trong tôi. Nổi niềm vui sướng vượt qua bạo bệnh sắp thành sự thật hai tuần lễ không dài lắm để chửa trị cơn bệnh quái ác của thế kỷ nhưng cũng không ngắn quá cho nổi nhọc nhằn, khổ sở tôi đang hứng chịu.
Sáng ngày 16/09, cả hai bác sĩ Kevin Max và Vladimir Labalo đến kiểm tra lần sau cùng, căn dặn kỷ lưởng những gì tôi phải làm, liều lượng thuốc tôi phải uống cũng như tiếp tục cách ly tại nhà đến hết ngày 18/09 là ngày cuối cùng quarentine.
Đưa tôi từ phòng bệnh xuống đường là cô y tá trực và Thành (con của bạn tôi Tạ sỹ Nguyên) vốn là respiratory therapist của bệnh viện. Thành cũng là người thân duy nhất thăm tôi thường xuyên ở bệnh viện. Xin cảm ơn Thành đã đẩy bình oxy và máy oxygen concentrator đến tận xe.
Bà xã tôi đón ngay trước cổng bệnh viện.Tôi lên ngồi băng sau, hạ thấp tất cả cửa sổ, vẫy tay chào tạm biệt Thành và cô y tá trước khi xe lăn bánh rời bệnh viện. Nổi niềm hạnh phúc dâng trào trong tôi khi xe rẽ vào đại lộ Lomita thân quen hướng về ngôi nhà thân thương của mình.Thế là tôi vừa bước qua một bước ngoặt của cuộc đời, một biến cố trọng đại tưởng chừng mành treo sợi tóc, một cuộc chiến đấu sống còn mạnh được yếu thua, một cuộc phản công vượt qua làn ranh sinh tử để sống còn. Ngồi trên xe, gió se lạnh thổi vào mặt tôi có cảm giác đang hít thở bầu không khí tự do sau thời gian giam mình bốn bức tường của phòng bệnh.

Về nhà nghe các talk show của các bác sĩ tôi đã nghiệm ra  vì sao tôi đã bị nhiễm bệnh dù đã chích vaccine đầy đủ.Thì ra kháng thể tạo ra từ vaccine ở mổi người mổi khác , theo dần với dòng thời gian cùng với tác động của bệnh nền và tuổi tác, kháng thể của tôi không còn đủ mạnh để tự bảo vệ mình nên khi corona virus xâm nhập, nó tấn công dử dội và chỉ nhờ thuốc Redemsivir mới đẩy lùi được chúng.
Hôm nay ngày 23 tháng 9, sau một tuần lễ tịnh dưởng ở nhà, dù sức vẫn còn kém, dù lực vẫn còn hạn, tay chân vẫn còn tê, đi vẫn còn yếu nhưng tôi tin chắc tôi sẽ phục hồi trong thời gian ngắn sắp tới.


Cuối cùng tôi xin cảm ơn người vợ thương yêu và các con yêu quý, cháu nội Ariya của tôi đã tận tình lo lắng, chăm sóc tôi suốt thời gian qua. Cảm ơn sui gia, ông bà Taniguchi, đã gởi quà vào bệnh viện cho tôi. Cảm ơn đội ngũ bác sĩ, y tá bệnh viện Torrance Hospital đã đón nhận và chữa cho tôi lành bênh. Cũng không quên cảm ơn tất cả bà con thân thuộc, anh em và bạn bè khắp nơi đã quan tâm thăm hỏi, động viên, khíck lệ tinh thần giúp tôi vượt qua dịch bệnh và cuối cùng chiến thắng được COVID, đặc biệt là các bạn Nguyễn văn Linh, Huỳnh công Kỉnh, Nguyễn văn Chính và Nguyễn văn Lâm đã chúc phúc cho tôi lúc tôi vẫn còn vật lộn với virus trên giường bệnh.
Hình như tôi là người thứ 3 của khóa 25 nhiễm bệnh Covid. Hai bạn trước Nguyễn anh Dũng và Nguyễn văn Hòa đã vĩnh viển ra đi, riêng tôi còn may mắn ở lại. Có phải chăng số phần của tôi vẫn còn nặng nợ với cơm, áo, gạo, tiền?

QUAN MINH TẤN K25

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.