Houston tháng Bảy nóng và oi bức.
Cứ đến mùa Hè thì sợ nóng, Đông thì sợ lạnh lo cây cảnh chết.
Tôi sống trong căn nhà nhỏ ở vùng này gần bốn thập niên, lâu hơn thời gian sống ở quê mình. Riêng mùa Đông năm rồi thật khắc nghiệt, giết sạch cây cảnh tôi đã bỏ nhiều công chăm sóc; kể cả những thứ tôi quý nhất, mấy cây ổi xá-ly mang giống từ Fresno mới vừa có trái chiến; và cây Hoàng Thiên Mai trước nhà, để tưởng niệm nhà tôi, mới có bông lần đầu.
Hôm nay trời âm u.
Nhâm nhi ly cà phê đầu ngày, nhìn ra
cửa sau khi cơn mưa Hạ chợt đến lất phất làm mát cây cảnh, và làm dịu nỗi rây
rứt trong lòng khi nghĩ đến những gì đã có, những gì đã mất và những gì vừa nẩy
mầm tái sinh. Qua các khung kính nhỏ của cánh cửa french door nhà sau, quang
cảnh bị cắt vụn vỡ như cuộc đời con người. Cũng chiếc ghế này, cũng khung cảnh
này tôi có thật nhiều kỷ niệm với từng người thân, tuần tự theo thời gian kẻ
còn người mất.
Ly cà phê đầu ngày trong vòng ôm hai bàn tay, cho cảm giác thật ấm sau một đêm lạnh lẽo mà tôi hằng trực diện đêm đêm khi ánh đèn phụt tắt. Cũng tại đây, pha ly cà phê đứa bạn ưa thích khi anh ghé thăm, nói chuyện lính, nhìn đời qua khung cửa. Qua cánh cửa nhà sau thời khắc chầm chậm trôi một ngày như mọi ngày nhàm chán, nhất là đối với những người tuổi về hưu như tôi. Mưa bắt đầu nặng hạt, mấy giỏ hoa treo đong đưa; mấy lá sen trong hồ ngả nghiêng theo gió ve vẩy như vành tai con voi. theo thời gian kẻ còn người mất.
Thấm thoát mười năm rồi từ ngày treo
chiếc wind chimes theo ý nhà tôi. Nay chuông gió còn đó nhưng nhà tôi không còn
để nghe tiếng trầm bổng mỗi khi gió lộng. Nay, chỉ mình tôi ngồi đây nghe tiếng
còn tiếng mất, vì tai trở thành nghễng ngãng.
Hai năm qua mau chiếc ghế kia nay trống trơn, nơi người bạn cùng khoá hay ngồi cùng tôi nhâm nhi suy ngẫm cuộc đời. Anh đã ra đi nhanh như chiếc lá theo gió cuốn, tôi làm theo điều ước anh trăn trối, và cuối cùng nắm tro tàn của một đời người được gởi vào lòng đại dương tại vịnh Mexico.
Nhiều năm qua cánh cửa sau nhà đã chứng kiến bao nhiêu việc xảy ra trong đời, chia sẻ cùng tôi khi vui, lúc buồn; tâm sự như thủy triều lên xuống. Cánh cửa cũ bị trộm phá hư đã được thay, nhưng kỷ niệm trong tôi không thể thế. Dù có người bạn mới đến với mình trong cuộc sống, nhưng không thể nào thay thế kỷ niệm ăn sâu trong lòng.
Nhớ ngày nhà bị trộm khi tôi đang ngồi quán uống cà phê ngoài phố với bè bạn. Đứa con điện thoại cho biết cửa kiếng nhà sau bị đập, tôi vội vã trở về, lẩm bẩm, "chỉ đi vắng chưa đầy hai tiếng mà nhà bị trộm!" Kiểm điểm đồ đạc, tôi mới biết mình mất máy computer mới mua để trên bàn đang chờ load softwares; mất thêm máy computer cũ để nơi bàn viết dưới bàn thờ gia đình; và mất lon nhựa đựng tiền xu trong phòng học, biết được nhờ thấy bạc cắc rơi rớt trên driveway. Thật ra tôi cũng may mắn chỉ mất bằng ấy thứ, nhưng rất buồn vì chiếc máy computer cũ bị đánh cắp. Nó là kỷ vật vô giá đã theo chân tôi hết nhà thương này đến bệnh viện khác, ròng rã bốn năm tháng sau cùng khi nhà tôi lâm trọng bệnh cuối đời. Nó ghi lại và lưu trữ tâm sự tôi trong suốt thời gian này; nhờ nó tôi được sống lại kỷ niệm quý báu đời mình. May thay vài tháng sau khi nhà bị trộm, nhân viên cảnh sát gọi đến nhận lại chiếc máy cũ này… mà tôi tin nhờ sự mầu nhiệm.
Cửa sau nhà đã được thay.
Cổng sắt được gắn thêm trên driveway và vài món trang bị khác được thiết trí giúp tôi đề phòng trộm đạo hay bất trắc. Bây giờ tôi cảm thấy an toàn hơn ư! Không hẳn! Vì tất cả những thứ này chỉ để phòng người ngay chớ nào ngăn được kẻ gian. Ở xã hội này là vậy. Tin tức xấu ngày đêm loan truyền trên các phương tiện truyền thông. Mấy ai nghĩ tai nạn hay bệnh tật sẽ xảy đến cho mình, vậy mà chỉ trong vòng vài năm tôi có đủ, điển hình là trộm vào nhà, heart attack, vĩnh viễn chia tay với người thân. Bà con xa, nhưng láng giềng gặp mặt chào hỏi chứ nào biết gốc gác. Cửa nhà lúc nào cũng đóng im ỉm. Chẳng lẽ tôi là tên tù tự nhốt mình sau cánh cửa? Khác lúc mới đến xứ này, tôi mời vào nhà bất cứ ai đến gõ cửa. Người bảo trợ biết được khuyên không nên, bởi cuộc sống ở đây khác xa nơi tôi sanh ra. Ở miền quê Việt Nam xưa kia, xóm làng biết nhau từ đời này qua đời khác. Cửa nhà không cần đóng, đúng như cụ Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú:
Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu,
Đầu giàn, chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
Quê tôi là vậy. Mấy vần thơ này sao đúng cuộc đời tôi năm xưa! Thấy mình trong "Thằng bé tri trô", sống cảnh nghèo nàn nhưng đầm ấm và bình an nên "cửa thường bỏ ngỏ". Còn nay cho dù cửa đóng then cài vẫn không cảm thấy an toàn lúc đêm về. Làm sao an tâm khi cuộc sống lúc nào cũng bị rình rập. Khi cuộc sống bất an, con người thường hướng lòng về đức tin; như tôi hằng cầu nguyện xin được bình an khi rời Việt Nam trên chuyến tàu nhỏ hơn chiếc lá trong đại dương; như tôi tin vào sự nhiệm mầu của nhà tôi nên máy computer được "Châu về hợp phố"… Và nay bên trong cánh cửa, tôi đêm đêm cầu nguyện để được đón ánh bình minh một ngày mới, để được nhâm nhi ly cà phê đầu ngày… và được nhìn đời qua khung cửa.
Cửa nhà tuy đóng, nhưng cửa tâm hồn bỏ ngỏ để vần thơ, câu văn được sáng tạo. Khi tình láng giềng khép kín thì cửa lòng mở rộng đón người cùng chí hướng cùng nguyên quán. Nhờ vậy người Việt tỵ nạn âm thầm góp công, góp sức vào các công cuộc từ thiện, cứu trợ; xây đắp hội đoàn cùng cộng đồng để sánh bước với cộng đồng bạn, giúp lớp trẻ hội nhập vào dòng chính trong xã hội mới. Họ là những người Việt với cánh cửa lòng rộng mở, trong đó có anh, có tôi, có các chiến sĩ đã từng hy sinh tuổi thanh xuân cho tự do của quê hương mình.
Có quá suy diễn hay không, khi liên kết cánh cửa nhà đến cánh cửa lòng, từ vật hữu hình vô tri đến ý nghĩ trừu tượng vô hình? Chúng ta hầu hết không làm chính trị, nhưng ý thức được sức mạnh chính trị để giúp cộng đồng lớn mạnh, những mong luồng gió mới mang sinh khí cho quê hương được hồi sinh, hay ít nhất để tiếng nói của người Việt hải ngoại được lắng nghe và được đối xử bình đẳng trong cuộc sống hằng ngày. Họ góp bàn tay chọn người nói thay trong xã hội họ đang sống.
Mưa vẫn còn ray rứt.Tiếng sấm sét đì đùng.
Con chó cào cửa đòi vô.
Qua khung cửa, cảnh vật ngoài vườn mờ nhạt.
Cũng qua khung cửa này hôm qua khi trời quang mây tạnh, tôi chứng kiến cảnh con Cardinal** trống đâm đầu vào cửa kính, đá vào bóng mình vì tưởng "gặp kẻ thù".
Màu đỏ tuyệt đẹp của Cardinal trống như nền alpha trên cầu vai, như màu logo trên nón với điều tâm niệm "Tự Thắng để Chỉ Huy" của người Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Đà Lạt. Tôi mơ màng nghĩ đến ngôi trường năm xưa trên đồi 1515, những người bạn cùng khóa, những đồng môn đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam hay mệnh một nơi xứ người. Tôi nghĩ đến những người trai từ khoá 1 đến khóa 31 dù đã rời khỏi ngưỡng cửa này nhưng vẫn có cùng mẫu số. Và ngậm ngùi khi thấy con Cardinal trống tự đá bóng mình một cách điên cuồng, rồi, tự hỏi có phải tôi vừa chứng kiến hình ảnh của tập thể Võ bị những lúc gần đây!
Không phải chỉ loài chim muông, con người đôi lúc cũng mắc bệnh ảo tưởng. Tranh hơn thua với chính chiếc bóng của mình. Đó là mầm mống tự hủy diệt trong sinh hoạt tập thể.
Cánh cửa là gạch nối cuộc sống riêng tư với xã hội bên ngoài qua ngưỡng cửa. Bên sau mỗi cánh cửa là một câu truyện đặc thù của gia đình, nơi đó có vui buồn, thầm kín mà không gia đình nào giống gia đình nào. Ánh đèn sau khung cửa lúc đêm về cho ta cảm giác an toàn, đầm ấm, đoàn tụ sau một ngày lăn lộn với cuộc sống. Nhưng ánh đèn sau khung cửa cũng nói lên những khắc khoải ưu tư của cuộc sống. Bên trong cánh cửa là biểu tượng cho cuộc sống nội tâm, trong khi bên ngoài cánh cửa là dấn thân, là hòa đồng vào cuộc sống để cho và nhận. Bên sau cánh cửa hay bên ngoài cánh cửa đều có sức quyến rũ của nó. Riêng cánh cửa kiếng sau nhà tôi, nơi đó tôi được chiêm ngưỡng nét đẹp vườn sau mà tôi đã bỏ nhiều công vun xới, tôi thấy được thiên nhiên qua áng mây thật cao, tìm được hạnh phúc lúc tuổi xế chiều, và trực diện với ảo ảnh cuộc đời. Cánh cửa nhà hư hỏng, mục nát còn thay được; nhưng cánh cửa đời vô hình chỉ mở một lần cho chúng ta đến với cuộc sống và trở về nhà khi đã làm tròn trách nhiệm nơi trần thế. Cánh cửa về miền vĩnh phúc không bao giờ đóng.
Chúng ta sống ở cả hai bên cánh cửa cuộc đời. Hãy khép cửa khi cần phút riêng tư, mở cửa khi cần hội nhập vào cuộc sống, hé cửa khi cần quan sát và để người khi cần đến với ta; nhưng đừng bao giờ khóa chặt cửa tự giam hãm để chính mình không có lối thoát.
Cảm Nghĩ Sau Cùng
Hiện nay, cánh cửa thương thảo của thế giới với Bắc Hàn vẫn chưa đóng, chỉ vì nền hòa bình trên thế giới.
Vì quyền lợi riêng tư, cánh cửa quốc gia của hai cựu thù trong chiến tranh Việt Nam được mở để họ tái lập ngoại giao vào năm 1995.
Vậy, chừng nào sự rạn nứt của tập thể Võ Bị được hàn gắn? Cánh cửa căn nhà Võ Bị được mở để tiếp đón những người đồng môn? Đó là nguyện vọng của đa số thầm lặng của tập thể Võ Bị. Hãy đối xử với nhau như đứa con cùng Mẹ. Nguyên tắc, quyền lực, nội quy, điều luật để điều hành và sinh hoạt trên phương diện tổng quát mà thôi, không phải là cẩm nang phải nhất nhất tuân theo để giải quyết các trở ngại. Áp dụng cứng nhắc, chẻ sợi tóc cho từng vấn đề để có lợi cho phe nhóm chỉ làm tập thể thêm phân hóa.
Hãy đếm và thống kê bao nhiêu lời chia buồn "Thành Kính Phân Ưu" ngày ngày trên diễn đàn, trong mỗi Tập San Đa Hiệu thì rõ tình trạng của GIA ĐÌNH VÕ BỊ CHÚNG TA HIỆN NAY!!! Người lãnh đạo sáng suốt rất cần cho tập thể chúng ta bây giờ. Quả cầu pha lê của tương lai tập thể Võ Bị phải được bảo toàn vì nó là di sản của chúng ta để lại cho con cháu.
Tôi yêu màu đỏ của nền Alpha Võ Bị. Tôi thích màu đỏ con chim Cardinal thường xuất hiện qua khung cửa nhìn ra vườn sau, vì đây là màu cho tôi được tình yêu đi đến hôn nhân và là màu Tình Tự Võ Bị của những người cùng chí hướng. Tôi hằng cầu nguyện con chim Cardinal được "mạnh giỏi" sau khi tự đá bóng mình, và trở lại viếng vườn sau nhà để tôi được ngắm qua khung cửa.
Để kết thúc bài viết, xin mượn ý một đoạn trong bài thơ "The Door" của Miroslav Holub,
Hãy mở cửa! Ngoài kia sương mù, rồi sẽ có lúc trời quang đãng
Hãy mở cửa! Ngay khi tăm tối, khi gió lộng, cho dù không tìm được gì cả…
và hãy mở cửa! Ít ra ta cũng một lần được thử. (*)
Phạm văn Hòa K18
(*) Viết theo ý "The Door" của Miroslav Holub (Sanh năm 1923, tại Zechoslovakia).
Go and open the door. If there’s a fog, it will clear.
Go and open the door. Even if there’s only the darkness ticking, even if there’s only the hollow wind, even if nothing is there,
Go and open the door. At least there’ll be a draught.
No comments:
New comments are not allowed.