Sunday, May 31, 2020

Khóc Một Người Anh: Cựu Trung Tá Bùi Quyền


Để Kính Dâng Linh Hồn của Niên Trưởng Bùi Quyền, có danh hiệu hành quân là Tố Quyên, tưởng nhớ đến những ngày giờ sinh tử với nhau ở những chiến trường khốc liệt nhất. Tôi xin trích đoạn trong bài viết "Nhẩy Dù Tử Chiến Với Bắc Quân" tại chiến trường Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lữa 1972 của ĐĐ2TS và TĐ5ND.

Mũ Đỏ Út Bạch Lan

... Bên trái của tôi (TS2ND) là ĐĐ51ND của Trương Đăng Sĩ và ĐĐ52ND của Hồ Tường, tất cả lực lượng gọi là “Tiền Phương” này đều đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tố Quyên (Thiếu Tá Bùi Quyền Thủ Khoa K16 VBĐL). Bên phải của TS2ND là trùng trùng điệp điệp bóng dáng Bắc Quân…Bấy giờ lực lượng trừ bị hùng hậu Thuỷ Quân Lục Chiến còn ở xa chưa tới áp sát vì lệnh ở trên ! Chúng tôi trên đầu thì phải đội đạn 130ly sơn pháo, hoả tiễn 122ly, cối 82ly…từng giây phút, hằng giờ, trước mặt là một dãy hào sâu ngập nước với bức tường Cổ Thành dầy đặc kiên cố cao khoảng 12 mét.

- Út Bạch Lan...Tố Quyên.

- Tôi nghe Đích Thân.

- UBL nghiên cứu thử xem có thể gửi hai con vịt tiềm (Viễn Thám) vào trong được không ?

- Nhận 5 trên 5 Đích Thân.

“Mission Impossible” !!! Xâm nhập vào mật khu rừng núi hay vào căn cứ địa của địch không mấy khó khăn, nhỡ bị phát hiện thì trổ tài...”dzọt”, sống còn hay tử vong mất xác là do số mạng, còn như nhận lệnh thi hành nhiệm vụ này chẳng khác gì Kinh Kha sang sông Dịch một đi không trở lại, không có đường về, cũng không có cơ may trở lại để kiếm đường về…! Tôi gọi Thiếu Úy Thông và Thiếu Úy Hiền hai Sĩ Quan trưởng toán vừa được bổ sung sau Mặt Trận Kontum, cả hai chưa có một chút kinh nghiệm gì về thoát hiểm mưu sinh để tôi “ban lệnh hành quân”. Nhìn hai đôi mắt đăm chiêu tư lự của hai Sĩ Quan trẻ độc thân này, lòng tôi bỗng chùng xuống không thể “hạ lệnh” một cách mạnh mẽ và dứt khoát được, vì biết rồi ta sẽ đưa họ vào cõi chết một cách oan uổng và phi lý cho dù “chuyên qua sông Dịch” là nghề của chàng…! Muốn tới được chân bờ thành đã khó vạn nan, rồi còn tìm cách nào để lên được tường thành rồi xâm nhập vào trong thì quả thật là liều lỉnh để tự sát, chỉ có cách duy nhất là làm sao đục thủng một lỗ tường thành thì họa may có thể …? Hiện tại TankM48 không có, pháo binh thì ở xa, phi cơ thả bom cũng chỉ đánh phá từ trên xuống không thể phá ngang hông được, đạn M72 hay 75 ly không giật công phá tường thành dầy 5-6 mét không hề hấn gì…! Tôi thật bối rối không biết phải tính toán như thế nào để xâm nhập qua bức tường thành chắn lối thật là “đá dựng ngàn năm hoang đường khói độc”…? Nếu liều lỉnh nhắm mắt xua lính cảm tử thi hành lệnh lúc này đồng nghĩa với cái chết, thì lòng can đảm chỉ là thể hiện tính chất cường bạo và vô trí tuệ mà thôi chẳng có ích gì…? Không thi hành thì lại mang tiếng hèn nhát trước địch quân đâu phải là Trinh Sát 2 Nhẩy Dù vốn xuất thân từ Lực Lượng 81Biệt Cách Dù ? Tôi gọi Tố Quyên trình bày những khó khăn trở ngại nói trên và xin cung cấp cho 6 sợi dây tuột núi cùng với móc câu.

- UBL...tôi sẽ cố gắng...nhưng không hứa !

Như vậy là tôi phải chờ ! Tình hình biến chuyển từng phút, từng giờ, ĐĐ51ND (Trương Đăng Sĩ), ĐĐ52ND (Hồ Tường), ĐĐ54ND (Nguyễn Vũ Dương) và ĐĐ111ND (Đinh Viết Trinh) tăng phái dưới quyền điều động chỉ huy hành quân của Tố Quyên đã áp sát bờ thành đang chờ những phi tuần Không Quân Bảo Quốc Trấn Không “bay không ai tìm xác rơi “đang vần vũ trên bầu trời giáng sấm sét từng đợt đánh bom hạng nặng làm sập một góc tường thành thì may ra chúng tôi mới cảm tử chiến cho dù phải hy sinh nhiều chiến sĩ là phải đánh đổi bằng một cái giá rất đắt, nghĩ tới thâm tâm sinh nỗi bất nhẫn, nhưng rồi buột miệng: “chiến tranh mà” lẫn trong tiếng gầm rú của phi cơ và tiếng bom đạn nổ bùng vỡ xé trời xanh… và TS2ND chúng tôi đang trụ thế “nhất kiếm công thành” trước tuyến trận, đứng đầu sóng ngọn gió chịu áp lực từ phía Bắc càng lúc càng nặng nề. Quân số càng ngày càng hao hụt nhưng cũng phải cố gồng mình chịu đựng, vì nếu TS2ND bị chọc thủng thì Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của TĐ5ND bị đe dọa chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Đây là một điều ưu tư lo lắng từng phút từng giờ của Ông niên trưởng Tố Quyên (Bùi Quyền) Thủ Khoa Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt lúc nào cũng 24/24 trên máy PRC25 với tôi và Chí Bệu (K20VBĐL) trưởng Ban 3 Hành Quân của Tiểu Đoàn. Chúng tôi tiên liệu Bắc Quân sẽ có một trận pháo cường tập và tấn công biển người và chờ đợi tới đâu hay tới đó…? Tố Quyên điều động ĐĐ54ND lo bảo vệ khu vực Đông Bắc Trí Bửu và tải thương, ĐĐ51ND và ĐĐ52ND nhào vào Cổ Thành…Không Quân Việt Nam với những phi tuần Khu Trục (Skyraider AH-1) do những Phi Công dày dạn chiến trường, tài trí siêu xuất đánh bom vào chỗ kỳ đài rất chính xác như “thảy lỗ”, thì lúc đó bỗng có 2 phi tuần Jet của Mỹ ở đâu bay vào vùng để yểm trợ thêm cho quân Nhẩy Dù công phá Cổ Thành, Cố Vấn Mỹ hỏi Tố Quyên có muốn xử dụng không ? Tố Quyên OK và chỉ cho Jet nó đánh ngay vào mục tiêu cùng chỗ phi tuần Việt Nam vừa đánh. Nhưng than ôi… “điều động tại nhân mà tai hoạ tại thiên” khói bụi từ chỗ mới bị bom đánh tỏa ra bị gió thổi bạt đưa về phía ĐĐ51ND và ĐĐ52ND thế là Pilot Mỹ chơi 2 pass Smart Bomb vào Smoke Targets đó, thành ra bom bên Mỹ mình giáng xuống quân ta tan tành “banh xác pháo”…!!!. Ngày N+21:

- Út Bạch Lan...207. (Đại Tá Trần Quốc Lịch LĐT/LĐIIND)

- Tôi nghe 207.

- Qua bên kia.

Tôi hiểu ngay là qua tần số khẩn cấp đặc biệt của Lữ Đoàn.

- Cố giữ cạnh sườn cho Tố Quyên và Minh Hiếu, trễ lắm trong vòng 48 tiếng đồng hồ sẽ có tăng viện thay thế.

Lệnh này Minh Hiếu và Tố Quyên cũng biết, nhưng chỉ biết là sẽ có tăng cường lực lượng, nên kế hoạch mạo hiểm xâm nhập cổ thành hủy bỏ. Hai ngày sau tôi được lệnh chuẩn bị bàn giao phòng tuyến cho hai Biệt Đội 81 Biệt Cách Dù, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Phạm Châu Tài.

Tại chão lửa Quảng Trị nầy gặp lại những bạn cũ dưới cơn mưa pháo như Đại Úy Dương Thiện Ngộ (BĐ3BCD), Đại Úy Lê Đắc Lực (BĐ4BCD), Đại Úy Nguyễn Sơn (BĐTS/BCD-Biệt Đội Thám Sát) lòng vui mừng trộn lẫn nỗi lo buồn vì đã bỏ lại hằng chục đồng đội chưa mang được xác của họ về cho vợ con gia đình, mà đơn vị đang xác xơ chỉ còn trên dưới 40 người, tinh thần mệt mỏi rã rời sau 21 ngày đêm chống đỡ xa luân chiến với một lực lượng địch quân đông gấp chục lần quân ta, may là lượng tank của chúng nó chưa xuất quân…! Sau khi giao lại chiến trường cho ba BĐ81BCD, đám thiên lôi TS2ND chúng tôi được lệnh rút về phía sau lưng bọc hậu cho TĐ5ND giữ đường tiếp tế tản thương đến sông Nhung, nơi đây chúng tôi gọi là “Bến Đò Đưa Xác”. Vừa rời khỏi phòng tuyến chừng 200 mét thì bị một cơn bảo táp tiếng súng lớn nổ vang rền đạn bay phủ chụp lên TS2ND như một mẽ lưới tử thần, chúng tôi nằm bẹp dí như những ngọn cỏ tại chỗ chịu trận…!!! Tôi hét lên trong máy:

- Tố Quyên...Tố Quyên...bảo mấy đứa con của đích thân ngưng bắn ngay, nó đang bắn lên đầu chúng tôi...Tố Quyên...Tố Quyên…! 

Hai phút sau Tố Quyên gọi lại ;

- UBL...check lại xem cho tôi biết ngay. Không có đứa con nào phía sau lưng của tôi nổ súng trong khoảng một giờ trước đây…?

Lúc này là ĐĐ54ND đang bảo vệ bọc hậu Bộ Chỉ Huy của Tố Quyên. Hoàn hồn, lấy lại bình tĩnh phán đoán, tôi nhận ra ngay, tiếng nổ là B40,B41 và phòng không 12ly7 của Bắc Quân... Tôi vỡ lẽ và buột miệng: ”thôi chết rồi …” TĐ5ND đã bị chặn hậu, đường giây tiếp tế cũng bị bít kín, như vậy TS2ND cũng không còn “đường xưa lối cũ có bóng tre che thôn làng” rồi, bây giờ là con đường tử địa ! Tôi nghĩ chắc có thể Hổ Xám Phạm Châu Tài 81BCD cũng sẽ bị “gombi” không còn một mống nào thoát được khi bị tấn công cường tập với đại pháo 130ly, Tank T54, 12ly7, cối 82...và bộ binh của Bắc Quân đã chặn bít đường đi lối về.…?! Cả đám chúng tôi tiến không được, thối cũng không xong, chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là trực diện xông vào cửa tử để tìm sinh lộ với thân thể tàn tạ sức mòn lực kiệt, “chiến bào” rách bươm tơi tã…nhưng phải đồng thời “cứu chúa phò nguy”, bằng mọi giá phải "thông" cữa hậu cho Tố Quyên, chết vinh còn hơn bị hốt hết rồi sẽ bị sống nhục…! Tôi ra lệnh như hét :

- Tất cả bỏ balô xuống, đưa M72 dồn cho Trung Đội 1 (chỉ còn 12 mạng), mỗi người 5 quả M72, kéo nòng, rút chốt an toàn sẵn sàng súng trên vai, nhắm vào căn nhà ngói nền cao phía trước khoảng 50 thước, quỳ dàn hàng ngang chờ lệnh…

 Trung Đội 2 và Trung Đội 3 cũng còn trên dưới 10 mống, cùng với tôi và ban Chỉ Huy Đại Đội, súng cá nhân và lựu đạn sẵn sàng… khi nghe loạt M72 đầu tiên thì phóng như bay khoảng chừng 20 mét rồi nắm bẹp xuống, chờ loạt thứ hai và thứ ba cứ tiếp tục nhào lên cho đến khi đến sát những khung cửa sổ căn nhà đỗ nát trước mặt, khi tiếng nổ cuối cùng M72 của Trung Đội 1 chấm dứt tác xạ đợt 4, thì Trung Đội 2 và Trung Đội 3 bắt đầu dùng lựu đạn tung vào trong. Bắc Quân như lũ chuột: chuột cống, chuột chù, chuột nhắt…kinh hoàng tháo thân chạy bung ra ngoài, nón cối rơi rớt vung vãi dưới những họng súng M16 thiện nghệ của Trinh Sát 2 Nhẩy Dù, thây người ngã vật xuống, không một tên nào chạy thoát. Mày là Đặc Công hả? Tao là Trinh Sát Nhẩy Dù đây, mày là “giặc từ ngoài Bắc vô đây bàn tay bắn giết đồng bào” miền Nam, bàn tay đồ tể chúng mầy nhuốm máu anh em cùng dòng máu đỏ, da vàng Việt Nam của mày, thì làm sao tao có thể tha cho mày lúc này được..? Chúng mày chủ trương thà giết lầm còn hơn bỏ sót, còn tao thì chắc chắn không giết lầm cho nên không có cái vụ bỏ sót và lệnh của tao là:” Không để sót một thằng nào chạy thoát trong trận này” mặc dầu tao đã kiệt sức gần như muốn ngã quỵ…! Và chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ đánh xáp lá cà như tia chớp, nhoáng TS2ND đã quét sạch Đại Đội Đặc Công của Sư Đoàn 320B, xác chết quân địch và vũ khí ngỗn ngang chẳng cần thu nhặt dọn dẹp… Tố Quyên mừng lắm gọi tôi:

- Thank you UBL...tôi sẽ cho 54 thay chỗ UBL ngay bây giờ, UBL trở về bến đò đưa xác (Sông Nhung) giúp cho tôi cõng thương binh và đem xác anh em “rách áo” về …” ! 

Ôi,.. đâu rồi “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê” em ơi… TS2ND nay còn đâu mái tóc thề, rách bươm tơi tả, te tua sau 21 ngày đêm sống trong bão lửa khốc liệt như trời long đất lỡ, súng nổ vang rền tứ phương, đạn bay lấp loáng vung vãi phủ chụp, cày bung thớ đất và trong nón sắt còn âm vang vọng lại như vỡ bung màng nhĩ, nay trở về như lạc lõng nẻo tâm hồn nào vương theo lối cũ…? Tôi ngồi nhìn dòng nước con sông Nhung hiền hòa cứ lững lờ trôi với tâm tư:

Sông và nguồn có bao giờ tịch lặng…?

Con nước xuôi dòng chuyển chở bao niềm… 

(Ngưng trích)


CSVSQ Trương văn Út K22

Phân Ưu


Hội Võ Bị Houston Thành kính phân ưu cùng K16
Kính chuyễn một bài chia buồn của một CSVSQ K16

CSVSQ Huỳnh Kim Chung K22
Hội Trưởng

Thật vô cùng thương tiếc khi được tin bạn Bùi Quyền Khóa 16 đã vĩnh viễn giã từ chúng ta!
Vũ Đình Trường TVBQGVN giờ đây chắc cũng đang chào vĩnh biệt người CSVSQ Liên Đoàn Trưởng của 4 khóa 16, 17, 18 và 19 của thời chinh chiến, một Tân Sĩ quan Thủ khoa khóa 16 đã có những giây phút vinh quang tại đây dương cung bắn tên tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ. 
Thương tiếc thay "chí đang còn mong tiến bước nhưng sức không kham nổi đoạn trường". Chúng tôi thành thật chia buồn cùng chị Quyền và qúy tang quyến.
Nguyện cầu cho Hương Linh của bạn Quyền được thanh thản trên cõi Vĩnh Hằng.  
CSVSQ Nguyễn Đức Thu K16

Wednesday, May 20, 2020

Bí Mật Bất Ngờ Chiếc Đồng Hồ Khách Để Quên


Trên con đường ở thành phố Hoschton, có tiệm giặt hiệu "Diana". Bà chủ là Henry đã 72 tuổi. Chồng bà, ông Henry qua đời chưa được bao lâu, bỏ lại mình bà cô đơn trong ngôi nhà trống vắng. Việc kinh doanh đã ngưng từ lâu, song bên ngoài, tấm biển hiệu "Diana" vẫn còn hiện diện.. Sau một lần bệnh nặng, nghĩ không còn sống bao lâu nữa, bà nhờ công ty đấu giá quảng cáo bán đấu giá tài sản của mình. Chỉ có điều khó hiểu là gắn liền với nhà đất bán đấu giá còn có chiếc đồng hồ quả quýt bình thường, không chỉ vậy, bà ra giá chiếc đồng hồ cao hơn nhiều so với giá nhà đất. Chi tiết quảng cáo ghi: ‘Sẽ tặng không nhà đất cho ai biết lai lịch của chiếc đồng hồ’. Nội dung quảng cáo quá hấp dẫn nên thu hút rất nhiều người muốn tìm vận may. Hội trường nơi diễn ra buổi bán đấu giá chật kín người, điện thoại reo không ngớt nhưng không ai nói đúng lai lịch của chiếc đồng hồ. Bà Henry ở bên cạnh điện thoại, vẻ mặt đăm chiêu. Bà mong có thể hoàn thành tâm nguyện cuối cùng. Hơn 50 năm trước, bà và ông Henry kết hôn không lâu, họ dùng tên bà là "Diana" để mở tiệm giặt ủi. Công việc kinh doanh rất thuận lợi. Vào một buổi chiều trời mưa tầm tã khi bà định đóng cửa tiệm thì một người trung niên qua ngang. Bà Henry chủ động mời vào trong tiệm tránh mưa, mới biết anh ta tên Robert, đang thất nghiệp.

Thấy dáng vẻ anh ta nghèo khổ, nên trước khi anh ta rời đi, bà Henry cho 10 đồng và cho mượn chiếc dù. Hôm sau Robert đến trả dù và giao bộ đồ, nhờ giặt sau ba ngày sau sẽ trở lại lấy. Sau khi Robert rời đi, theo thói quen thông thường, bà kiểm tra xem khách có vô ý để quên thứ gì trong túi hay không. Tò mò, bà mở chiếc đồng hồ ra xem và lặng người.. Trên vỏ nắp có lồng tấm ảnh thiếu nữ rất xinh đẹp, đang cười tươi như hoa chính là bà thuở còn trẻ. Bà kinh ngạc khẽ gọi: "Smith!" và nước mắt tuôn trào. Smith là người tình đầu của bà Henry. Năm 1950, bà và ông Smith đính hôn, chiếc đồng hồ là vật đính ước giữa hai người. Không lâu sau, chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Smith là sĩ quan quân đội Hoàng gia Anh thành viên của tổ chức Liên Hiệp quốc, nên phải sang Triều Tiên tham chiến. Mặc dù ngày nào bà cũng cầu nguyện cho Smith nhưng tin bất hạnh chuyển về quê nhà là Smith tử trận. Dẫu vậy, bà vẫn không tin sự thật đau buồn này, bởi Smith hứa sẽ trở về cưới bà. Mang hy vọng đó, bà chịu đựng nỗi đau đến năm 1953 thì chiến tranh kết thúc. Thế nhưng trong đoàn quân từ Triều Tiên trở về, vẫn không thấy bóng dáng người yêu. Sau đó, do sắp xếp của gia đình, bà kết hôn với ông Henry và mở tiệm giặt "Diana". Bây giờ bà không ngờ lại thấy được vật đính ước giữa bà và Smith năm xưa.

Ngỡ ngàng một lúc, bà tự đặt câu hỏi: "Robert là ai? Sao anh ta có chiếc đồng hồ quả quýt này? Anh ta cố tình đưa nó cho bà hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bức thư của người tên Weber gửi cho Robert có liên quan gì đến chiếc đồng hồ hay không? Trong thư, người này nói bị bệnh nặng, cần tiền chữa trị, mong Robert nghĩ tình bạn bè cho anh ta vay 1,000 bảng Anh. Bà Henry cất giữ chiếc đồng hồ, đợi Robert quay lại lấy để hỏi chuyện. Thế nhưng 3 ngày, rồi một tháng trôi qua, Robert vẫn biệt tăm. Nhớ ra người đàn ông tên Weber đang mắc bệnh nặng cầu cứu Robert giúp đỡ, lòng bà Henry bất giác thấy tội nghiệp. Robert chắc biết chuyện, nhưng không trở lại. Nghĩ nếu người đàn ông tên Web gặp nạn mà không được giúp, bà thấy áy náy trong lòng. Bà Henry gửi ngay 1000 bảng Anh là toàn bộ tài sản riêng của bà trước khi kết hôn, đến địa chỉ ghi trên thư. Đồng thời, bà cũng gửi kèm lá thư, nói rõ mọi chuyện và nhờ Weber nếu gặp Robert, hãy nhắn anh ta đến tiệm giặt ủi lấy đồ. Thư gửi đi nhưng chẳng nhận được hồi âm.. Song bà Henry không bỏ cuộc. Bà quyết định vượt đường xa đi tìm Weber. Đến địa chỉ trên thư, bà chỉ nghe được những thông tin đáng kinh ngạc. Người ta cho biết Weber mồ côi không bà con thân thích. Anh ta rong ruổi khắp nơi không làm nghề gì nhất định, chẳng ai biết hành tung, thậm chí họ không nghe nói anh ta bị bệnh.

Bà Henry thấy lòng tê tái, nghĩ mình đã rơi vào bẫy lừa đảo của ai đó, may là chiếc đồng hồ vẫn còn nên bà thấy có chút hy vọng. Mấy năm trôi qua, những gì bà chờ mong vẫn chưa xuất hiện. Đột nhiên một hôm, bà nhận được ngân phiếu chuyển tiền trị giá 2,000 bảng và kể từ đó, khoản tiền tương tự đến với bà mỗi năm nhưng thời gian không cố định, địa chỉ thay đổi liên tục khiến bà không thể truy ra. Không biết nên giải quyết thế nào, bà cố duy trì tiệm giặt với hy vọng ngày nào đó, chàng trai Robert xuất hiện giải tỏa tất cả. Cứ như thế, mấy mươi năm trôi qua, sức khỏe của bà Henry ngày càng mệt mỏi. Cuối cùng, bà quyết định cách bán đấu giá đặc biệt để "người giấu mặt" xuất hiện. Sau khi hoạt động diễn tập cho buổi đấu giá kết thúc thì có người đàn ông cao niên xuất hiện, nhìn kỹ chiếc đồng hồ, nước mắt ông chảy thành dòng, nói chiếc đồng hồ là của mình. Bà Henry mời ông ta đến. Vừa tiếp xúc, người đàn ông hỏi: "Bà có phải là Diana ở bức ảnh lồng trong chiếc đồng hồ?" Bà Henry lặng người. "Diana!", ông ta gọi cái tên bao nhiêu năm qua không ai biết đến. Hai người đặt câu hỏi cùng lúc: "Sao ông biết tên tôi?" - "Sao bà có được chiếc đồng hồ này?” Người đàn ông cao niên tự giới thiệu là Brian, cho biết đã dành một thời gian dài với tài sản tiết kiệm để đến các cơ sở đấu giá và nhà sưu tập tìm lại chiếc đồng hồ này.

Người đàn ông lớn tuổi chậm rải kể: "Năm đó, tôi thuộc quân đội Liên hiệp quốc" đến chiến trường Triều Tiên và trong một chiến dịch, tôi bị bắt làm tù binh. Trong trại tù, tôi gặp Smith khi đó đang bị viêm phổi và bị trọng thương. Nghĩ không còn sống được lâu, Smith trao chiếc đồng hồ cho tôi, ân cần dặn dò nếu còn cơ may được trở về nước thì trao cho cô gái tên Diana và gửi lời xin lỗi cô ấy là anh không thể cùng người mình yêu sống đến hết đời được". Nghe đến đây, bà Henry khóc không thành tiếng. Qua bao nhiêu năm, cuối cùng bà mới biết được tin xác thực về Smith. Bà lau nước mắt, hỏi tiếp: "Về sau Smith ra sao?" - "Sau đó, một buổi tối, Smith được khiêng đi nói là để điều trị. Smith rưng rưng nước mắt cáo biệt và không ngừng nhắc tôi nhất định phải trao món đồ anh ấy gửi cho Diana. Từ đó, tôi không gặp lại Smith. Chiến tranh chấm dứt, qua trao đổi tù binh, được trở về quê hương, tôi mang chiếc đồng hồ đi tìm Diana nhưng thật không ngờ, trên tàu hỏa, tôi bị kẻ cắp lấy trộm hành trang. Từ đó tôi vô cùng bối rối vì sự ủy thác của người đồng đội quá cố! Tôi cố công tìm kiếm chiếc đồng hồ suốt mấy chục năm qua, chiếc đồng hồ đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai trong lòng tôi. Cho đến hôm nay, được thấy nó và gặp bà, tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm".

Bất giác nhớ khoản tiền nhận được hàng năm, bà Henry hỏi: "Vậy số tiền tôi nhận được hàng năm là do ông gửi đến đúng không?" Brian ngạc nhiên: "Tiền gì? Những năm qua, để có thể đi khắp nơi tìm kiếm chiếc đồng hồ, tôi hầu như không còn để dành được đồng nào. Tôi vẫn muốn biết làm sao bà có được chiếc đồng hồ này?" Đúng lúc bà Henry muốn nói cho Brian chuyện ly kỳ liên quan đến chiếc đồng hồ thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây là tiếng nói của một thanh niên: "Bà còn nhớ người tên Robert chứ ạ?" Nghe tên Robert, bà Henry thấy căng thẳng, vội vã nói: "Tất nhiên tôi nhớ! Ông ta vẫn khoẻ chứ?" Người kia đáp: -"Đấy là cha cháu, ông đã qua đời. Trước khi chết, ông nói bà đã cứu ông và dặn cháu nhất định phải báo đáp". Cảm tưởng khó hiểu lộ trên khuôn mặt bà Henry: -"Chắc cậu lầm rồi? Tôi có làm gì để cứu cha cậu đâu!" - "Không lầm đâu ạ, bà đã cứu cha cháu. Thời trẻ ông tên Weber, làm nhiều việc không lương thiện. Ông kể lại có một hôm, gặp bà ở tiệm giặt ủi, ông giật mình vì bà giống hệt người con gái ở bức ảnh lồng trong chiếc đồng hồ quả quýt. Cha cháu đã trộm chiếc đồng hồ của ai đó rồi mang đi bán. Gặp hôm trời mưa, bà mời cha cháu vào tiệm tránh mưa, còn cho 10 dồng và cho mượn chiếc dù”. Cha cháu nói, đó là lần đầu tiên ông cảm nhận được sự tôn trọng, nên quyết định tặng chiếc đòng hồ cho bà”. “Nhưng khi đó vì nghèo quá nên ông cố tình nhét bức thư ‘cầu cứu’ trong túi quần cùng với chiếc đồng hồ, không ngờ bà tốt bụng, đã chuyển cho người tên Weber 1000 bảng Anh. Bố cháu được tiền, vô cùng cảm động, ông thề làm lại cuộc đời. Kể từ đó, bố cháu bỏ tên cũ, đổi thành Robert. Ông đợi cháu tích cóp 2000 bảng để gửi cho bà. Cha cháu qua đời đột ngột quá, cháu thề sẽ đến gặp và thay ông xin lỗi bà. Hôm nay, đọc báo thấy quảng cáo, biết người bà đang tìm là cha cháu. Qua đây, xin bà hãy chấp nhận lời xin lỗi và cảm ơn bà đã giúp đỡ cha cháu".

Nghe đến đây, lòng bà Henry như giải tỏa được gánh nặng. Bao nhiêu điều chất chứa trong lòng bà mấy chục năm qua cuối cùng được giải tỏa. Bà không ngờ hành động bác ái của mình có thể thay đổi được một đời người. Bà Henry vội vã nói: "Tiền cháu gửi, tôi chưa động đến, tổng cộng có hơn 100.000 bảng Anh, mời cháu đến gặp tôi một lần". Bên kia đầu dây vọng lại câu trả lời đầy kinh ngạc: "Không thể nào như vậy, cháu có ý muốn dành dụm đủ 2000 bảng Anh gửi cho bà nhưng cuộc sống khó khăn quá, cháu chưa có đủ tiền gửi như vậy, chắc bà lầm rồi". Dứt tiếng, người thanh niên gác máy. Ngày hôm sau, buổi bán đấu giá diễn ra đúng kế hoạch. Căn phòng lớn chật kín, mọi người đều muốn biết kết quả cũng như bí mật của chiếc đồng hồ. Khi xướng ngôn nhân kể lai lịch chiếc đồng hồ, những tràng pháo tay vang lên rộn ràng. Đúng lúc người bán đấu giá tuyên bố bất động sản của bà Henry, như lời hứa ban đầu, sẽ trao tặng cho ông Brian, thì sự việc không ai ngờ đến đã xảy ra. Hãng đấu giá nhận được điện thoại của tòa án, nói có ông cụ gọi điện thông báo chiếc đồng hồ có tranh chấp về quyền sở hữu, yêu cầu hoãn cuộc bán đấu giá chờ ông đang trên đường đến Hội trường.

Bà Henry và ông Brian nhìn nhau thắc mắc. Người đó là ai lại có liên quan đến chiếc đồng hồ? Cuối cùng người đàn ông lớn tuổi bí ẩn ngồi trên xe lăn xuất hiện, tiến vào hội trường. Bà Henry kinh ngạc, lên tiếng: "Smith" rồi ngất xỉu. Brian vội vã tới gần ông cụ ngồi xe lăn: "Trời, Smith! Ông vẫn còn sống!" Ông Brian tin tưởng Smith đã "chết" hơn 50 năm qua. Thì ra, trong đêm ở trại tù binh, Smith được trao trả ngay và được chuyển đến bệnh viên dã chiến cách chiến trường rất xa. Bác sĩ có thể cứu ông khỏi tay tử thần, nhưng 2 chân phải cắt bỏ. Khi được trở về nước, ông dùng tên giả, vì biết chỉ khi mình "chết", người yêu mới có được cuộc sống hạnh phúc khác. Ông sống cuộc đời độc thân nhưng lúc nào cũng nhớ Diana nên cố tìm mọi cách theo dõi cuộc sống của người yêu. Ông tiết kiệm tiền để gửi cho Diana. Khi biết chồng Diana là ông Henry qua đời và thấy quảng cáo bán đấu giá, ông không thể ngồi yên. Bà Henry thấy mình như đang trong giấc mơ dài khá ly kỳ. Khi tỉnh dậy, người trong mơ đã không còn thanh xuân nữa. Vậy là khoản tiền lớn bà nhận được và cất giữ suốt mấy chục năm qua là do người yêu thương gửi đến mà bà không hề hay biết. Cuối cùng, bà Henry quyết định để lại toàn bộ nhà đất cho Brian. Bà cũng gửi một phần tiền cho cậu con trai của Robert, dù sao ông ta cũng tặng lại chiếc đồng hồ cho bà để cuối cùng nó trở về với chủ nhân đích thực. Còn riêng mình, bà quyết định chăm sóc ông Smith sống nốt quãng đời còn lại.

Nguyên Nhung