Quá 4 giờ sáng đêm qua tôi thức giấc như thường đêm gần đây; nhưng đêm nay tôi thao thức không tài nào giỗ lại giấc ngủ. Hình ảnh người đàn em sầu muộn khi tiễn người bạn đời vĩnh viễn ra đi; tiếng nấc nghẹn ngào khi anh đáp lời chia buồn của nhóm anh em đến phúng viếng. Tôi không nghe được những gì anh nói nhưng hình như hiểu những gì anh muốn nói, có lẽ vì đồng cảnh ngộ. Gặp anh khi vừa bước vào nhà quàn và chia tay anh sau khi viếng linh cữu; dù không nói thành lời nhưng vòng tay vỗ về trong im lặng đã nói lên rất nhiều những gì tôi muốn chia sẻ cùng anh. Tôi thấy mình trong anh hơn thập niên qua mà tôi đã trải, nỗi đau và vết thương của chính mình chợt về trong cùng môi trường và bối cảnh. Tôi thấm thía vì đoạn đường mình đã đi qua. Tôi im lặng như pho tượng, nhưng trong lòng ngổn ngang. Người nằm trong quan tài như say ngủ: Bình yên và Thanh thoát! Tiếng cầu kinh của người chồng và các con cùng bè bạn nhẹ nhàng như quyện quanh thân xác người quá cố, bay bổng trong không gian nhỏ bé và quyến luyến ve vuốt các vòng hoa chia buồn quanh phòng.
Có tiếng thì thầm bên tai:
"Niên trưởng có muốn chia buồn cùng tang quyến không?"
Tôi thầm cảm ơn nhưng khẽ lắc đầu. Dù muốn nói thật nhiều những gì tôi có trong đầu vì tình đồng-bệnh-tương-lân, và vì cá nhân tôi mang ơn Anh-Chị thật nhiều khi tổ chức cuộc họp mặt của anh em cùng Mẹ-Võ-Bị trước đây tại Houston. Anh chị đã đóng góp để cuộc họp mặt thành công. Tiếng ca của Chị trong bài hợp ca Phụ-Nữ-Lâm-Viên hình như tôi nghe được trong lời niệm kinh vừa rồi, và giọng hát Đà-Lạt-Trường-Tôi của anh trong vở nhạc kịch Đường-Vào-Quân-Sử do tôi biên soạn cho Đại hội.
Tôi chậm rãi nghiêng đầu đáp:
"Không anh! Thấy thương anh ấy quá!"
Khi ánh sáng đầu ngày soi mói xuyên qua khung cửa sổ, tôi mỏi mệt cảm vết thương mười-ba năm trước của mình với vết thương còn nóng mà người đàn em đang cưu mang. Chiếc-dép-đã-lỡ-đôi, bước đi của người ở lại sẽ trở thành khập khiễng. Đường đời còn dài, chông gai còn lắm chiếc dép còn lại sẽ giữ chân người cho trọn cuộc đăng trình của kiếp người . . .
. . . Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có
yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh . . . (Đôi Đép, Nguyễn Trung Kiên)
Thân xác Chị nay để lại trần gian. Linh hồn Chị sẽ bình an đời đời trong vòng tay yêu thương và tiếng ca của Chị sẽ vút cao vào không gian vô tận!
Rồi Anh sẽ giữ đôi chân mình được thăng bằng!
Người ở lại sẽ không đi tìm chiếc dép thay thế, nhưng chấp nhận những gì sẽ đến như tạo hóa an bài, và họ thủ diễn vai trò đã được dàn dựng như người đã hát bài ĐàLạt Trường Tôi trong Đường Vào Quân Sử.
Phạm văn Hòa, K18
No comments:
New comments are not allowed.