Sunday, December 12, 2021

Vì sao các Cựu SVSQ Trường VBQGVN thường hay gọi nhau bằng "CÙI"

 "CÙI Võ Bị" mang ý nghĩa gì?

Để trả lời 1 Ông Bạn trên FB hỏi tuần trước, hôm nay tôi xin được trỉch dẫn nguyên văn bài viết của tác giả tôi tạm đặt là Ông Đồ Cùi, trích từ CD Ông trao tặng tôi trong 1 buổi thăm viếng Ông tại nhà riêng của hai Ông Bà cựu CHT/TVBQG cuối con đường nhỏ khu yên tĩnh Longmont CT., Houston, TX.
Ông ủy quyền cho tôi được phổ biến các bài Ông viết cho khối "Học Trò Ruột" của Ông, ám chỉ 4 Khoá VB 16, 17, 18, 19 là những khoá đích thân Ông truyền dạy về Môn "Lãnh Đạo và Chỉ Huy" khi Ông giữ Chức Vụ CHT Trường VBQGVN tại Đà Lạt. Dưới đây là nguyên văn bài của Ông.

Nguồn Gốc của Chữ CÙI
Tác giả: Ông Ðồ Cùi.

Cùi là thứ bệnh nan y ghê tởm. Người mang bệnh này phải sống một nơi nhất định. Mỗi khi có ai bước tới gần nơi mình đang núp, phải báo hiệu để người ta tránh, nếu không sẽ bị ném đá chết vô tội vạ. Thế mà trong quân sử Việt Nam, trong thời kỳ dân miền Nam đấu tranh chống lại cuộc xâm chiếm do miền Bắc chủ trương, danh từ Cùi đã biến thành một mật khẩu cho các đồng môn một trường Võ Bị nhận nhau chỗ đông hoặc nơi xa lạ, nhờ thành tích anh hùng xuất chúng của một số lớn đồng môn họ. Hơn thế nữa, một số khác xuất thân từ trường này, tuy ở một thời gian khác, cũng hãnh diện tự nhận mình là Cùi, hoặc được gọi là Cùi. Danh từ này được phổ biến thành một quý danh, riêng cho một tập đoàn có những đặc tính khác người.
Nhưng tại sao lại có kẻ mang cái danh từ tàn tệ kia để diễn tả, điển hình thành tích anh hùng, ít người làm được? Ngay những người từng thực hiện những thành tích ấy để thành Cùi, chưa chắc đã hiểu được hết cái quan niệm Cùi hàm xúc những gì?


Chỉ được biết, trong ý niệm căn bản của nó, người Cùi phải làm được tối thiểu những điều sau này:
1. Không bao giờ làm điều gì trái lẽ phải, vô lý, bất công, mặc dầu có nhiều người làm, và vì chỉ một mình không làm mà bị thù ghét, hãm hại. Ý thức vì cái khuynh hướng tự nhiên ấy, mình sẽ bị xã hội ruồng rẩy, tránh né, nên tự xem mình là loại "cùi hủi" ai cũng không muốn đến gần. Ý thức này có tính chất mỉa mai như trường hợp anh mọi của Socrate, trọn đời chung sống với đồng loại dưới hầm sâu, dùng đuốc nhìn đồ vật, tình cờ được ra ngoài, thấy ánh sáng thật của mặt trời, trở vào kể lại, bị quần chúng buộc tội là đồ điên, bắt trói giam một nơi. Cùi biết thân phận mình chẳng hơn gì anh mọi ấy nên tự hạ mình trước còn đỡ tức.
2. Làm việc bổn phận, vì trách nhiệm, địa vị, chức vụ, lẽ phải, tự trọng, gương tốt cho kẻ dưới trông lên bắt chước chứ không phải vì sợ bị phạt nếu không làm, hoặc làm giỏi sẽ được thưởng.
3. Lỡ lầm lỗi, thẳng thắn nhận, chịu phạt thay người dưới, nếu cần.
4. Thật lòng ưu ái kẻ dưới, không bao giờ nhẫn tâm lợi dụng, khai thác kẻ dưới làm điều lợi cho mình. Gánh lấy phần thiệt hại, nguy hiểm thay kẻ dưới, với tư cách kẻ cả, và làm gương cho mọi người noi theo.
5. "Thà chịu người ghét, không bao giờ làm gì để ai khinh".


Thái độ nổi bật trong tính tình hàng ngày của Cùi là "Cao Ngạo". Không nên nghĩ đây là thứ kiêu căng "rỡm", rổng tuếch, mà là một nội cảm tự khoái đã "làm được điều kẻ khác không dám làm"; không phải là Ngạo "lếu láo", khinh chê bừa bãi, mà là sự nhận xét riêng tư trầm lặng mình giữ cho mình không nói ra, về những kẻ quyền quý, cao sang hơn mình nhưng mình biết là thuộc loại hèn nhát, ty tiện. Để nhắn ngầm điều này nên lộ ra cái nhìn "bề ngoài tuy lễ phép, xã giao" nhưng vẫn nặng nề khinh bỉ . Người bị khinh, hiểu, đã ghét càng ghét thêm, muốn thù lại thù thêm, sẽ tìm dịp hãm hại. Trong lúc chưa hại được, đành phải bấm bụng làm ngơ.
Cái thích thú hầu như bệnh hoạn của Cùi là ở chỗ đó! Cùi "ngạo mạn", sẵn sàng nhận hậu quả của thái độ ấy, vì đã chuẩn bị tâm tư. Đời Cùi thường được kẻ dưới mến, trong khi ít người trên ưa là vì vậy. Cùi nhận danh từ xấu xa này cũng còn với mục đích nhắn đời hiểu những cái mà đời cho là cao quý, chưa chắc đã thật cao quý, cái đời chê, trái lại, có thể lại cao quý. Đó là thái độ ngạo mạn "ngược giòng". Tự hạ mình xuống thật thấp, nhưng thật ra cũng để khinh thường thiên hạ...


Hơn 38 năm qua, nay mới phân tách nội dung ý niệm về Cùi được rõ ràng như trên.
Ngày mang nó truyền lại cho mấy trăm môn đệ đầu tiên, ý niệm này tuy từ lâu đã được dùng làm triết lý nhân sinh, hướng dẫn đời mình, nhưng chưa có dịp thử thách đại quy mô với số đông. Cá nhân chỉ biết sống theo những điểm ghi trên, vì hợp với sở thích mình, thì cứ gắng sức sống như vậy, một cách tự nhiên như bản tính Trời sinh.
Không ngờ một việc xảy ra mùa xuân 1962 bấm nút cho ý niệm ấy được đem ra thực nghiệm trong việc đào luyện những người chỉ huy tương lai cho Đất Nước. Cuộc thực nghiệm đã tạo nên nhiều anh hùng mà sau ngày phục quốc, quân sử sẽ có những trang đốt rực lòng người đọc, như đọc những trang sử oai hùng thời Hưng Đạo, Lê Lợi. Những tên Cùi như Nhử Văn Hải, Nguyễn xuân Phúc, Nguyễn Hữu Thông, Lê Huấn, Lê Cầu, và rất nhiều tên nữa. Chắc rồi sẽ được ghi sau tên các bậc tiền bối của họ như Lê lai, Phan Thanh Giản, Quang Trung. Những chiến trường như "Những ngọn đồi vô danh", Pleime, Đèo Nhông; những tên đơn vị như Thủy Quân Lục Chiến Vùng 1, Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù...và còn nhiều nữa, cũng sẽ được ghi lại với những nét vàng son.

Nhưng có lẽ vì Thượng Đế quyết định đã tới chu kỳ san bằng một tình trạng bất công truyền kiếp, cần đảo lộn các mức giá trị trong một xã hội chậm tiến lỗi thời: "Con vua, thì lại làm vua, con thầy chùa chỉ quét lá đa", mà thành tích oai hùng của gần 800 Cùi, tung hoành như những Trần quốc Toản tái sinh, chỉ rực đỏ hào quang trên chiến địa một thời, rồi tản mát trong làn khói u hoài.
Sự xót đau của người chiến sĩ thâm sâu tận đáy trùng dương, mà niềm uất giận của ông thầy nặng lòng như mang núi đá! Sau thời gian ngắn, xắn tay áo làm lại cuộc đời đã bị cuộc đảo lộn của Thượng Đế làm tan nát đến mức gần toàn diện, rồi rút lui khỏi thế sự, ẩn mặt, chăm lo việc linh hồn.
Hơn 17 năm trôi qua, Môn đệ vẫn còn hội họp, nhiều lần mong Thầy đến. Nhưng vì biết trước các buổi họp ấy chỉ là sự tỏ tình với nhau, sau buổi họp, không giúp ích được gì cho nhau, mà chỉ xé lại vết thương xưa thêm rướm máu.
Nhân dịp "Cùi 17" gửi xem cuốn băng về lễ mừng "khánh thọ", cảm động trước cảnh thân mật giữa những người từng bị xa cách nhau hàng chục năm, kẻ trong chốn lao tù, mọi người mỏi mòn sau cuộc vật lộn, dành chỗ đứng với đời, vẫn còn dám nhận mình là "Cùi". Với sự hãnh diện tự nhiên của người Thầy cũ, lẫn với mối cảm động chảy ra nước mắt, bèn ngồi xuống ghi những hàng này gửi tặng tất cả "tên" nào, nay còn dám sống theo triết lý nhân sinh Cùi. Những hàng này thay vào những câu mà Cùi có lẽ đã được nghe mấy năm trước, nếu thầy không tránh mặt. Nay nói hết một lần những kỷ niệm vui vui, ngoại lệ chưa có ai biết hết, kẻ thân nhất cũng chỉ biết vài thí dụ mà thôi. Đọc, rồi biết, mới hiểu được ý niệm Cùi vì đâu mà có, từ lúc nào, tại sao lại có cơ hội mang ra truyền bá tại Quân Trường?

 

Ông Ðồ Cùi.
#VNMA
Theo:NT Hiển Trần

 Đại Tá Trần Ngọc Huyến, Cựu Chỉ Huy Trưởng Trường VBQGVN. 

No comments: