Wednesday, November 24, 2021

Xin cám ơn cuộc đời


Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi chỉ vui vì ngày hôm đó được nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình. Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.

Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Dược Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi người làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi và hầu như không ai có nổi một nụ cười trên môi.

Tiệm thuốc có một vị khách quen tên là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối. Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn muời mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại.

Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thường ráng cười vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi. Bà tuy thoát chết nhưng lại bị tật nguyền, rồi từ đó bà bị bệnh trầm cảm (depressed). Từ 5 năm nay, bà lại phát hiện ung thư và sống một mình ở nhà dưỡng lão.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm truớc ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc, bà cười với tôi và đưa tặng tôi tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt. Bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc.

Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:

“Dear Thanh,

My name is Josephine Smiley, but life does not “smile” to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say “Thank you”, Thanh.

Thank you, very much, for your smile…” 

Thanh thân mến

Tôi là Josephine Smiley. Cuộc sống của tôi không có một tiếng cười và nhiều lần tôi đã nghĩ đến cái chết. Cho đến một ngày tôi gặp được bạn. Bạn là người duy nhất luôn mỉm cười với tôi, kể từ sau cái chết của chồng và con trai tôi. Bạn khiến tôi hạnh phúc và muốn tiếp tục cuộc sống này. Tôi muốn nhân dịp Lễ Tạ Ơn này để nói lời cảm ơn bạn.

Cảm ơn nụ cười của bạn rất nhiều

Bà ôm tôi và chảy nước mắt. Tôi cũng vậy. Tôi thật hoàn toàn không ngờ rằng, chỉ với một nụ cười, tôi đã có thể giúp cho một con nguời có thêm nghị lực để sống. Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày Lễ Tạ Ơn.

Ngày Lễ Tạ Ơn năm sau, khi tôi đang ngóng trông bà đến lấy thuốc truớc khi đóng cửa tiệm thì có một cô gái trẻ đến tìm. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm truớc. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Lễ Tạ Ơn. Tôi bật khóc. Nước mắt giàn giụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn ngoèo trên trang giấy:

My dear Thanh,

I am thinking of you until the last minute of my life.

I miss you, and I miss your smile…

I love you, my “daughter”…

(Thanh yêu quý của ta. Ta vẫn nghĩ tới con cho đến tận phút cuối cùng của cuộc đời. Ta rất nhớ con, nhớ nụ cười của con. Ta rất yêu con, con gái của ta)

Tôi đã khóc sưng mắt cả ngày hôm đó và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, nguời “Mẹ American” đã gọi tôi là “my daughter”…Ở nơi đâu trên trái đất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều nguời đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta…

Nếu nói về hai chữ “TẠ ƠN” với những người mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ sẽ nhiều lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời mà không từng mang ơn những người khác. Chúng ta được sinh ra làm người, đã là một a^n sủng của Thượng Ðế. Như tôi đây, có được ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, còn có ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy…

Cám ơn Mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng con cho đến ngày trưởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn di. Cám ơn những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua…

Cám ơn Ba đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo. Cám ơn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học….

Cám ơn các Thầy Cô đã dạy dỗ con nên người, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một người có ích cho xã hội…

Cám ơn các anh chị em đã sẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê người…

Cám ơn tất cả bạn bè tôi đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui – những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được. Nếu không có các bạn, có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì để lưu luyến cả…

Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa đã “nuôi” tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon “gigo” cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ hay những ly trà đá ở căng-tin ngày nào.

Cám ơn các bệnh nhân của tôi đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật…

Cám ơn các sếp của tôi đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc…

Cám ơn những người tình, cả những người từng bỏ ra đi, đã giúp tôi cảm nhận được thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.

Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên di chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương…

Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng, để nhận ra cuộc sống này là vô thường… từ đó bớt dần “cái tôi” ngạo mạn của ngày nào…

Xin cám ơn tất cả… những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:

"Trăm năm trước thì ta chưa gặp,

Trăm năm sau biết gặp lại không?

Cuộc đời sắc sắc không không,

Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau…”

Bài viết là chia sẻ của cô Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ ngoài 30, hiện là cư dân Westminster, Orange County.

 




Happy Thanksgiving - Đoàn PNLV Houston


ĐOÀN PHỤ NỮ LÂM VIÊN HOUSTON

Kính chúc gia đình VB Houston 

Một ngày lễ Tạ Ơn

HẠNH PHÚC, ẤM CÚNG và BÌNH AN


Thay mặt Đoàn Trưởng Chị Trần Khắc Đản K13/1

Thư Ký Trần Hà K22/1

Happy Thanksgiving

 


Tình Đồng Môn - CSVSQ Vũ Văn Táp K28

Nhiều người hỏi tôi : Nhìn cảnh Đàn anh "quần nhừ tử" Đàn em trong mùa Tân khoá sinh mà rùng mình. Vậy mà các anh không oán hận Đàn anh, lại đối xử với nhau hơn cả tình ruột thịt. Sao ngộ vậy?

Tôi sẽ giải thích cặn kẽ cho các vị nghe chơi :

Cổng Trường Võ Bị cong cong,

Người hòng ra khỏi, kẻ mong chui vào.

Trước khi nộp đơn thi, chúng tôi đã tìm hiểu và suy tính kỹ rồi. Cùng trình độ Tú tài 2, các Quân Trường như Hải quân, CTCT, Học viện Cảnh sát thời gian thụ huấn là 2 năm, tốt nghiệp đeo lon Thiếu uý. Riêng Võ Bị Liên Quân là 4 năm. Có người gọi đùa là VB học dốt nên phải đào tạo lâu hơn, bố ai cãi được! Mệnh danh là lò Luyện thép, sắt cũng phải mềm nên có nhiều ông đã khuyên em ruột của mình đừng vào. Nhưng khuyên bảo thế nào đi nữa, thằng em cũng quyết nộp đơn, chui vào để thực hiện hoài bảo của mình.

Chúng tôi tình nguyện, tình yêu binh nghiệp đã khiến chúng tôi chấp nhận tất cả gian nguy, khốn khó! Thời Trung học, trong Chinh Phụ ngâm chúng tôi lạ gì câu" Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao". Còn trong truyện Tầu, khi kết nghĩa đệ huynh họ thường thề: sanh không cùng năm, tháng, ngày nhưng xin được chết cùng giờ. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.

Vào Trường, chúng tôi không cần thề, chúng tôi có 6 chữ: Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm và châm ngôn "Tự Thắng để Chỉ Huy" để trui rèn nhân cách. Được hun đúc, rèn giũa trong 4 năm, tình huynh đệ đồng môn trở nén keo sơn, gắn bó anh em thành một khối. Trên kính, dưới nhường; đùm bọc, che chở cho nhau. Không kiêu căng, tự mãn. Ngoài chiến trường, đàn em vững tin là ông anh không bao giờ thí mình, còn đàn anh cũng vững tin không bao giờ đàn em bỏ chạy khi không có lệnh. Đây cũng chính là sức mạnh tinh thần của các chàng "Cùi"Võ Bị. Không sinh cùng năm, cùng ngày, nhưng có thể chết cùng giờ ,trong một trận đánh?

Trở lại mùa lột xác. Trong đầu óc non nớt của đàn em lúc đấy, các ông anh là Thần tượng. Chúng tôi kính trọng như một vị Thầy. Có vị đã tuyên bố: Tuổi đời chúng tôi hơn các anh, trình độ hơn các anh. Chỗ tôi đang đứng, trước đây đàn anh đã đứng. Chỗ các anh đang đứng, trước kia tôi đã đứng. Phạt các anh không vì tự ti mặc cảm , hay hận thù cá nhân. Suy cho cùng, các anh chỉ có một tội là cái tội...vào sau. Các anh hãy căm hờn lên mà sống! Lạ chưa, các ông xúi đàn em căm thù các ông? Còn sự thật thì sao!

Các ông anh rèn dũa chúng tôi kỹ lắm: Từ cách đi, đứng, nằm, ngồi; cách ăn, uống, xỉa răng, che ngáp. Cách lau sàn phòng sao cho ống quần không nhăn, cách lau la va bô, cách thông bồn cầu, cách xếp chăn , mùng vuông góc, cách thắt cà vạt, đánh giày, bút nịt.

Trời mùa đông Lạnh giá ,đàn em ngủ như chết vì mệt , mấy ông đi từng phòng tấn mùng , đắp mền , rờ trán từng thằng em coi có bị sốt không .Tôi dám cam đoan là mấy ông anh của tôi hơn mấy bà chị đảm đang nhiều lắm.

Ngoài Thao trường, chúng tôi đổ mồ hôi, thì các anh tôi đâu ngồi trong bóng mát? Trong Phạn Xá, các ông đã nhường cho đàn em từng quả chuối, từng ổ bánh mì, từng chén cơm. Miệng luôn gầm gừ: Cố lên, vào đây rồi chỉ có cơm Phạn xá thương các anh thôi! Chỉ trong vòng 8 tuần lột xác, đàn em lên ký thì đàn anh lại sụt. Khác nào mấy ông anh đã xẻ thịt của mình cho đàn em? Ngộ một điều là ông nào bị đàn em liệt vào"Hung Thần" thì lại được đàn em thương nhớ nhiều hơn, đúng với câu: Gần thì phiền, xa lại nhớ! Nhiều ông anh rời Trường rồi, đàn em mới vào. Nhưng khi gặp biết "Cùng nòi" cũng cứ thương yêu, đùm bọc. Hình như có sợi dây vô hình nào đó đã cột chặt anh em tôi lại với nhau.


Là Trường Quân Sự, chúng tôi không e ngại bất cứ món nào như Nhảy Dù, Rừng Núi sình lầy, Viễn Thám. Vì sức khỏe đã được kiểm nghiệm rất kỹ trước khi nhập Trường. Điều chúng tôi ngại nhất là các món Văn hoá. Thiếu điểm văn hoá năm thứ nhất là bị đẩy về Trường Bộ Binh Thủ Đức, làm lại từ đầu, đổi màu Alpha. Mấy năm kế thiếu điểm thì ở lại học chung với khoá đàn em. Chúng tôi thường nói đùa là: Võ Bị cưỡng bách giáo dục bậc Đại học! Phê lắm người ơi !

Mấy cô thường chê chúng tôi vô cảm, nhát gái! Oan lắm các cô ơi. Chúng tôi cũng là người bằng xương, bằng thịt; cũng đa tình, đa cảm đâu thua các Thi nhân. Nhưng chỉ cần một lá đơn các cô tố cáo; Hội Đồng Danh Dự nhóm họp là chúng tôi "tốt nghiệp non" với lon Trung Sĩ ngay. Ngừa bệnh hơn chữa bệnh, tránh trường hợp mềm lòng vì người xưa đã cảnh báo: Nhi nữ trường tình, anh hùng khí đoản. Hay câu: Anh hùng nan quá mỹ nhân quan?

Đã mấy mươi năm trôi qua, "Phe thua cuộc" chúng tôi nếm đủ mọi đắng cay, chua xót. Nhưng tình Đồng Môn vẫn mãi trường tồn. Vẫn duy trì tôn ti, trật tự, vẫn kính trên, nhường dưới. Ngọt Bùi sẻ chia, hoạn nạn cưu mang.nhau cho mãn kiếp này. Hãnh diện một điều là thứ chúng toi có không thể mua được bằng uy quyền hay tiền bạc đó là Tình Đồng Môn Võ Bị.

Khóc Thầm.

Gom củi ba năm, đốt một giờ!

Bao năm giữ vẹn, sao giờ để tan?

Quên rồi Quê Mẹ điêu tàn,

Quên luôn đồng đội, nát tan cõi lòng.

Chức , danh tựa bọt...xà bông.

Đồng môn tủi hổ, nhìn ông tranh quyền.

CSVSQ Vũ Văn Táp K.28