Thursday, December 10, 2020

KHÓA 25 TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM

 SƠ LƯỢC

Nhập Trường: 10-12-1968

Số Ứng Viên Nhập Trường: 298

Mãn Khóa: 15-12-1972

Chủ Tọa Lễ Mãn Khóa: Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm

Số Sĩ Quan Tốt Nghiệp: 260

Tên Khóa: Quyết Chiến Tất Thắng

Thủ Khoa: Nguyễn Anh-Dũng 

 

 

 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM

1. Được tuyển chọn từ hơn 4.000 thí sinh qua một cuộc thi văn hóa tại nhiều địa điểm trên toàn quốc.

2. Ứng viên nhập trường làm 4 đợt, trong thời gian khoảng hơn một tuần, với tổng số 298 người.

3. Một Tân Khóa Sinh (TKS) bị tử nạn trong thời gian huấn nhục.

4. Vì lý do an ninh, TKS chinh phục Đỉnh Lapbé Nord thay vì Đỉnh Trinh Nữ của Núi Lâm Viên như dự định.

5. Trong năm thứ hai, một Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) đã hy sinh tại chiến hào trong đêm Việt Cộng tấn công Trường.

6. Cũng trong năm thứ hai, một SVSQ được chọn đi thụ huấn tại Trường Võ Bị West Point Hoa Kỳ và tốt nghiệp Khóa USMA 1974.

7. Khóa đầu tiên mở đầu truyền thống Lễ Trao Nhẫn Khóa.

8. Khóa đầu tiên được huấn luyện Liên Quân Chủng (Hải, Lục & Không Quân) trong năm thứ ba và thứ tư trước khi tốt nghiệp.

9. Khóa đầu tiên có Đại Đội I (Không Quân) và Đại Đội K (Hải Quân), nâng tổng số thành 10 Đại Đội SVSQ trong Trung Đoàn SVSQ.

*

* *

Tết Mậu Thân 1968, sau khi cuộc tổng tấn công của Cộng Sản miền Bắc vào phần lớn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa bị thất bại nặng nề, toàn thể dân chúng trên khắp 4 vùng chiến thuật đều sôi sục . chí đấu tranh chống Cộng triệt để. Trước hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, Tổ Quốc lâm nguy, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã ban hành lệnh Tổng Động Viên kêu gọi thanh niên yêu nước gia nhập quân đội để chiến đấu chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản.

Giữa tháng 8 năm 1968, hơn 4.000 thanh niên đầy đủ điều kiện văn hóa (tối thiểu Tú Tài II Ban Toán hoặc Khoa Học Thực Nghiệm) trên toàn lãnh thổ đã nộp đơn xin gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN). Sau một kỳ thi tuyển văn hóa tại nhiều thành phố lớn như Đà Lạt, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, v.v… và cuộc tuyển chọn sức khỏe tại Đà Lạt, 298 thanh niên đã trúng tuyển để trở thành ứng viên của Khóa 25 (K25) TVBQGVN. Đây là nét đặc biệt đầu tiên của K25 bởi vì các tân khóa sinh được tuyển chọn từ một số lượng đông đảo nhất trong lịch sử tuyển lựa ứng viên để gia nhập TVBQGVN.

NGÀY NHẬP TRƯỜNG

Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến ở Trại Mát, Đà Lạt được dùng làm trại tạm trú cho các ứng viên trúng tuyển văn hóa. Nơi đây các ứng viên được khám sức khỏe và thi thể lực tổng quát, một số ứng viên bị loại vì không đạt được tiêu chuẩn thể chất.

Ứng Viên K25 nhập trường trong 4 đợt vì những khó khăn về liên lạc, phương tiện di chuyển, v.v…Có những ứng viên được gọi nhập trường sau khi đã trình diện vào Trường Võ Khoa Thủ Đức. Ngoài ra có 8 ứng viên đến từ Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam.


Ứng Viên K25 đang được khám sức khỏe tại Trại Mát, Đà Lạt, trước khi chính thức gia nhập TVBQGVN

Các Ứng Viên K25 được khảo sát về thể chất tại Trại Mát, Đà Lạt 

Ngày 10 tháng 12 năm 1968, trước Cổng Nam Quan, đợt đầu tiên nhập trường theo nghi lễ chào đón truyền thống với số ứng viên đông nhất: gần 200 ứng viên đã trìnhdiện SVSQ Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Tân Khóa Sinh, SVSQ Trần Vĩnh Thuấn K23, và Hệ Thống SVSQ Cán Bộ Tân Khóa Sinh (thuộc K23, Tiểu Đoàn 2). Đợt 4 nhập trường vào ngày 19 tháng 12, với 3 ứng viên trình diện trễ từ Vùng I Chiến Thuật. Ngày 28 tháng 12, ứng viên cuối cùng trình diện tại sân cỏ Trung Đoàn là Huỳnh Công Kỉnh.

Cũng nên nói thêm, trong thời gian này, K23 Tiểu Đoàn 1, đi thụ huấn Nhảy Dù tại Sài Gòn và sẽ huấn luyện TKS K26 vào năm tới.

Quang cảnh các Ứng Viên K25 trước Cổng Nam Quan trước khi nhập trường. Trong ảnh, các SVSQ Cán Bộ TKS đang thực hiện thủ tục trình diện lên SVSQ Trần Vĩnh Thuấn K23, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ/TKS/K25

 

 

Hình ảnh ngày nhập trường của một số Ứng Viên K25 trình diện trễ

 

 

“Gập cằm 3 ngấn” trong ngày đầu của tám tuần sơ khởi


 

Tập bò dưới giao thông hào trong ngày nhập trường

 

 

 

TKS K25 được hớt tóc ngắn 3 phân ngay trong ngày nhập trường

Kể từ giờ phút này, đời sống của những Ứng Viên K25 bắt đầu chuyển hướng. Tất cả những thay đổi đột ngột về thể chất, môi trường, những giao động tình cảm, phản ứng tinh thần có lẽ chưa cho họ một . niệm nào về “KHÓA 25,” một danh từ chung mới mẻ mà họ vừa nhận được. Nhưng đây chính là thời gian đánh dấu cho một khóa được hưởng nhiều may mắn đặc biệt. May mắn được tuyển lựa từ một số đông đảo ứng viên trên toàn quốc. May mắn được thụ huấn trong một giai đoạn chuyển hướng toàn diện của trường, cả hai chương trình văn hóa và quân sự lẫn lãnh đạo chỉ huy cũng mới được cập nhật hóa. Đồng thời những cơ sở tối tân đồ sộ cũng được hoàn tất như Khu Văn Hóa Vụ, Nhà Thí Nghiệm Nặng, Thư Viện và Khu Quân Sự Vụ.

TÂN KHÓA SINH KHÓA 25

Ngày 22 tháng 12 năm 1968, lễ khai giảng Mùa Tân Khóa Sinh K25 được cử hành trọng thể tại Vũ Đình Trường Lê Lợi và từ đó các Tân Khóa Sinh (TKS) bắt đầu những tháng ngày thực thụ làm lính quân trường. 

Trong 9 “tuần sơ khởi,” từ ngày 10 tháng 12 năm 1968 đến ngày 14 tháng 2 năm 1969, các TKS phải trải qua một thời gian lột xác thật sự, từ một thanh niên dân chính yếu đuối thành một quân nhân mạnh mẽ. Ngoài những truyền thống khắt khe của Ngày Nhập Trường, họ còn phải trải qua những thử thách đầy cam go và gian khổ, những chịu đựng dày dạn gió sương và tuân hành kỷ luật tuyệt đối.

Mùa TKS cũng là mùa quân sự năm thứ nhất với các bài học trong lớp và ngoài bãi tập về kỹ thuật cá nhân chiến đấu, chiến thuật cấp Tiểu Đội, và vì trong thời gian huấn nhục nên đây là thời gian vất vả nhất của đời lính quân trường. Không một phút nào được rảnh rỗi, tinh thần luôn luôn căng thẳng, lúc nào cũng phải chuẩn bị để nghe lệnh và thi hành lệnh. TKS tuyệt đối tuân lệnh và thi hành, không lý do và không khiếu nại.

Tân Khóa Sinh K25 trong một buổi học Chiến Thuật

Một Đại Đội TKS K25 trước doanh trại

 

Tân Khóa Sinh K25 trên đỉnh Lapbé Nord

Ba mươi sáu (36) TKS đã phải rời Trường trong thời gian huấn nhục vì “chí những mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn đường.” Riêng TKS Võ Bá Vạn thuộc Đại Đội B đã không may tử nạn trong thời gian này.

Ngày 14 tháng 02 năm 1969, TKS K25 chinh phục Đỉnh Lapbé Nord (cao độ 1.732m). Cuộc hành quân truyền thống chinh phục Đỉnh Trinh Nữ của Núi Lâm Viên (còn gọi là Lang Biang, cao độ 2.167m) bị huỷ bỏ vào giờ chót vì lý do an ninh.

Buổi chiều cùng ngày, dưới ánh nến lung linh, là nghi lễ Trao Găng, Mũ và Thắt Lưng Cổ Truyền tại từng phòng của mỗi TKS. Buổi tối, tại Vũ Đình Trường Lê Lợi, dưới sự chủ tọa của Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng Lâm Quang Thi, 261 TKS K25 được chấp nhận là SVSQ năm thứ nhất.

Trước khán đài danh dự, Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng đã gắn cặp Alpha Đỏ lên cầu vai Đại Diện TKS K25, Lê Xuân Thảo, và các SVSQ Cán Bộ K23 đã gắn cấp hiệu Alpha cho mỗi TKS trong hàng quân.

 

NĂM THỨ NHẤT (1969)

Sau Lễ Gắn Alpha, K25 hoàn tất thêm 2 tuần lễ "trả nợ" trong mùa Quân Sự năm thứ nhất. Có người suốt 9 tuần lễ TKS vẫn vững vàng, nhưng đã phải điêu đứng trong giai đoạn này. Đây cũng kể là một đặc điểm của K25, vì TKS K25 đã trải qua 11 tuần lễ huấn nhục.

Bốn khóa 22B, 23, 24 và 25 bắt đầu Mùa Văn Hóa 1969 với chương trình giảng dạy của một trường đại học khoa học kỹ thuật dân chính, với mục tiêu của trường là khi tốt nghiệp họ sẽ được nhận lãnh Văn Bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng. K25 được đòi hỏi phải học hành trong một chương trình đầy đủ với những tiêu chuẩn khắt khe. Kết quả rất đáng khích lệ và sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng, lần đầu tiên, đã cấp phép đặc biệt cho 20 SVSQ K25 đạt điểm văn hóa cao nhất về thăm gia đình.

NĂM THỨ HAI (1970)

Ngoài chương trình Văn Hóa và Quân Sự, toàn thể K25 đã được gởi đi du hành vào đầu tháng 11 năm 1970 tại các Trung Tâm Huấn Luyện và đơn vị lớn trong lãnh thổ Quân Khu II và III để quan sát, học hỏi và thu nhận những kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy, đồng thời nhận thức tiềm năng của quốc gia.

Giữa năm thứ hai, SVSQ K25 Phạm Minh Tâm là Người Việt Nam đầu tiên được tuyển chọn theo học Trường Võ Bị West Point, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp khóa USMA 1974, Thiếu Úy Tâm đã trở về trường làm Sĩ Quan Cán Bộ.

Cũng trong năm này, một thành viên khác, Nguyễn Văn Hoan thuộc Đại Đội C, đã phải từ giã bạn bè vì lý do sức khỏe.

Và cũng rất đặc biệt, ngay khi còn là SVSQ, K25 đã có con chim đầu đàn Huỳnh Kim Quang nêu gương hy sinh.

Đêm 31 tháng 3 rạng ngày 01 tháng 4 năm 1970, lợi dụng sương mù dày đặc, một toán đặc công Cộng Sản đã đột kích đánh phá Bộ Chỉ Huy nhà trường. Quang đã gục ngã tại chiến hào trước Hội Quán SVSQ, bên ngoài Cổng Nam Quan, khiến địch không thể bước chân đến được cổng Trường Mẹ. Oai hùng thay người SVSQ năm thứ hai đã ra đi khi còn quá trẻ, mới 21 tuổi đời, anh đã để lại trong tâm hồn các SVSQ K25 một tấm gương cao quý với những tiếc thương khôn cùng. Để tưởng nhớ người SVSQ này, năm 1972, Hội Quán SVSQ đã được đổi tên thành Hội Quán Huỳnh Kim Quang với bức tượng đồng bán thân Huỳnh Kim Quang ngay bên lối đi vào cửa chính.

Cũng trong năm thứ hai, nhà trường được Quân Đội giao phó cho nhiệm vụ mới: Đào tạo những sĩ quan hiện dịch cho cả ba Quân Chủng Hải, Lục và Không Quân. K25 đã may mắn trở thành khóa LIÊN QUÂN CHỦNG đầu tiên ngay ở trong trường. Một ban trắc nghiệm chuyên môn từ Bộ Tổng Tham Mưu được gửi đến trường để trắc nghiệm tâm lý và năng khiếu cho toàn thể SVSQ K25. Kết quả là 32 SVSQ trở thành SVSQ Hải Quân và 30 SVSQ khác trở thành SVSQ Không Quân. Vì vậy, bắt đầu từ những ngày cuối năm thứ 2 của K25, trường đã có thêm 2 Đại Đội SVSQ mới, mang tên Đại Đội I (Không Quân) và Đại Đội K (Hải Quân). Tám (8) Đại Đội cũ (mang tên từ A đến H) từ đây chỉ gồm các SVSQ Lục Quân. Hai (2) Đại Đội I và K được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các Sĩ Quan Cán Bộ Quân Chủng do Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Không Quân biệt phái đến trường.

Song song với sự kiện toàn chương trình văn hóa và quân sự, các công trình xây cất thêm trường sở được bắt đầu khi K25 mới lên năm thứ hai. Hãng thầu RMK của Hoa Kỳ khởi đầu công trình xây Khu Văn Hóa Vụ và Quân Sự Vụ, nằm giữa nhà chiếu bóng Lê Lợi (Nhà B) và doanh trại Đại Đội E.

NĂM THỨ BA (1971)

Đầu mùa quân sự năm thứ ba, ngày 26-12-1970, 32 SVSQ thuộc Hải Quân và 30 SVSQ thuộc Không Quân được gởi ra Nha Trang thụ huấn chuyên nghiệp tại Trường Sĩ Quan Hải Quân và Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân. Tại đây các SVSQ K25 Hải Quân được học hỏi về lý thuyết hải hành và thực tập trên Hộ Tống Hạm HQ14 ngoài khơi. Các SVSQ K25 Không Quân được học về lý thuyết căn bản phi hành và học bay với loại máy bay cánh quạt T41.

SVSQ K25 được gửi về các TTHL HQ và KQ, Nha Trang để thụ huấn

Trong khi đó, những SVSQ Lục Quân theo học Khóa 214 Nhảy Dù, từ 22 tháng 02 đến 12 tháng 3 năm 1971, tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám, Sài Gòn.

SVSQ K25 theo học Khóa 214 Nhảy Dù, trong ngày nhận chứng chỉ nhảy dù tại TTHL Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám

Bằng Nhảy Dù Khóa 214 của SVSQ K25

Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1971, K25 đã cùng K24 được gởi về thủ đô Sài Gòn tham dự diễn hành và đã vinh dự đoạt giải nhất trong số những đơn vị và Trung Tâm Huấn Luyện cũng như Quân Trường thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tham dự.

Ngày 11 tháng 12 năm 1971 đánh dấu thêm một bước trưởng thành của K25. K25 đã tổ chức LỄ TRAO NHẪN trọng thể tại Phạn Xá SVSQ, mở đầu một truyền thống mới cho trường.

Dựa theo mẫu của Nhẫn Lưu Niệm K25, một chiếc nhẫn cao khoảng 2,5m làm bằng mây, do SVSQ Đỗ Hoàng Vân K25 thực hiện

Đây là LỄ TRAO NHẪN đầu tiên được tổ chức trong lịch sử của TVBQGVN.

 

Nhẫn K25 bằng vàng 18 Karat với hột đá màu, do SVSQ K25 Đỗ Ngọc Châu vẽ kiểu, được xem là một chiếc nhẫn Võ Bị đẹp và đầy . nghĩa. Nhẫn có số 25 của khoá và huy hiệu Hải Lục Không Quân, bên kia là huy hiệu của TVBQGVN và niên hiệu 68-72 là thời gian thụ huấn của K25.


 

 NĂM THỨ TƯ (1972)

Trong mùa quân sự năm thứ tư, các SVSQ Hải và Không Quân trở lại Nha Trang để hoàn tất chương trình huấn luyện chuyên môn. SVSQ Lục Quân được chia làm 2 toán thay phiên nhau ở lại Trường huấn luyện Tân Khóa Sinh K28 và đi thực tập Chỉ Huy.Chương trình Thực Tập Chỉ Huy của các SVSQ Lục Quân gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia Chí Linh, Vũng Tàu, nơi đào tạo các Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn. 

Tại đây SVSQ được học về những đức tính căn bản của Người Cán Bộ Quốc Gia và được thực tập sống tình quân dân cá nước với đồng bào Xã Phước Tỉnh. Giai đoạn 2 tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, Phước Tuy (Bà Rịa). Đây là phần SVSQ thực tập chỉ huy với các binh sĩ thuộc các đơn vị tác chiến đã về trung tâm để được tái huấn luyện và dưỡng quân.

Ngày 28-12-1971, khai giảng mùa TKS K28. Trong mùa TKS này một chuyện không may đã xảy ra khiến TKS K28 Hồ Thái Trung tử nạn. Với biến cố này, một SVSQ K25 đã bị phạt vì vi phạm kỷ luật huấn luyện TKS, và anh đã phải từ giã K25 để rời trường.

Ngày 13 tháng 3 năm 1972, tất cả SVSQ K25 trở lại trường để hoàn tất chương trình Văn Hoá năm thứ tư. Với tổng kết điểm văn hoá cuối năm, thêm một SVSQ K25 nữa phải chia tay K25 để ở lại học với K26.

Văn Bằng Tốt Nghiệp của K25 "có giá trị tương đương với Văn Bằng Kỹ Sư Tốt Nghiệp Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Dân Chính."

 

Ngày 15 tháng 12 năm 1972, Lễ Mãn Khoá K25 đã được tổ chức trọng thể tại Vũ Đình Trường Lê Lợi do Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, đại diện Tổng Thống VNCH, chủ tọa. 260 SVSQ (gồm 256 SVSQ K25 và 4 SVSQ thuộc Khóa trước ở lại) đã tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy và được trao Văn Bằng Tốt Nghiệp TVBQGVN, có in lời xác nhận “Văn Bằng này có gía trị tương đương với Văn Bằng Kỹ Sư Tốt Nghiệp Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Dân Chính.” Rất tiếc, vào thời điểm đó Bộ Giáo Dục chưa hoàn tất thủ tục chấp nhận Văn Bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng của Trường, nhưng chỉ một năm sau (tháng 1, 1974), K26 đã được cấp văn bằng này.

 

Theo truyền thống, Sĩ Quan Thủ Khoa chọn binh chủng và đơn vị trong tuần lễ cuối cùng trước khi mãn khóa. Với K25, Trường đã chọn một SVSQ thuộc Quân Chủng Hải Quân là Thủ Khoa. Trong Lễ Mãn Khóa, Thủ Tướng VNCH và Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng Lâm Quang Thơ đã gắn cấp bậc Hải Quân Thiếu Úy cho Thủ Khoa Nguyễn Anh-Dũng. Các sĩ quan của trường cũng đã gắn cấp hiệu cho 31 Tân Hải Quân Thiếu Úy còn lại cùng với 198 Tân Thiếu Úy Lục Quân và 30 Tân Thiếu Úy Không Quân.

K25 được đặt tên là Khóa QUYẾT CHIẾN TẤT THẮNG
 

Lễ Mãn Khoá 25/TVBQGVN

Th. Tướng CHT Lâm Quang Thơ cắt bánh Sinh Nhật mừng ngày Mãn Khoá 25

Các Tân Thiếu Úy K25 trong Ngày Lễ Mãn Khoá

Từ trái: Nguyễn Phùng Gioanh - Trần Việt Doanh – Nguyễn Văn Bảo – Nguyễn Ngọc Bửu

 


Nguồn từ Sách TVBQGVN/TDLS

No comments: