SƠ LƯỢC
Nhập Trường: 05-04-1958
Số Ứng Viên Nhập Trường: 64
Mãn Khóa: 03-06-1961
Chủ Tọa Lễ Mãn Khóa: Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Số Sĩ Quan Tốt Nghiệp: 55 Thiếu Úy và 2 Chuẩn Úy
Tên Khóa: Lê Lợi
Thủ Khoa: Võ Trung Thứ
ĐẶC ĐIỂM
Khóa 15 (K15) thụ huấn trong giai đoạn chuyển tiếp của Trường. Năm 1959, Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt được đổi tên thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN).
Điều Kiện Nhập Học
- Quốc tịch Việt Nam, không can án, sức khỏe tốt
- Độc thân và không được kết hôn trong suốt thời gian thụ huấn 4 năm
- Học lực Tú Tài I hoặc tương đương
- Trúng tuyển kỳ thi văn hóa, và Trắc nghiệm tâm lý bởi cơ quan trắc nghiệm của Bộ Tổng Tham Mưu.
Kết Quả Thi Tuyển
- 88 người trúng tuyển
- 64 ứng viên trình diện nhập học
TỔ CHỨC
Chỉ Huy Trưởng
- Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu (1958-1959)
- Thiếu Tướng Lê Văn Kim (1959-1960)
- Trung Tá Trần Ngọc Huyến (1960-1961)
Văn Hóa Vụ Trưởng
- Giáo Sư Đỗ Trí Lễ
- Trung Tá Trần Ngọc Huyến
Sĩ Quan Cán Bộ
- Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn SVSQ:
- Thiếu Tá Vũ Quang
- Thiếu Tá Nguyễn Khắc Tuân
- Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc
- Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn I: Đại Úy Đoàn Công Hậu
- Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn II: Đại Úy Quách Huỳnh Hà
- Đại Đội Trưởng Đại Đội 1: Trung Úy Lê Đức Hiền
- Đại Đội Trưởng Đại Đội 2: Trung Úy Huỳnh Bửu Sơn
- Đại Đội Trưởng Đại Đội 5: Trung Úy Nguyễn Văn Vui
- Đại Đội Trưởng Đại Đội 6: Trung Úy Lê Minh Đảo, Trung Úy Trần Mộng Di
HUẤN LUYỆN
Tám Tuần Sơ Khởi
- Sĩ Quan Cán Bộ Đại Đội Trưởng Tân Khóa Sinh: Trung Úy Phạm Quang Mỹ
- SVSQ Cán Bộ Tân Khóa Sinh - 4 đợt: SVSQ Khóa 14 (K14)
- Sáu (6) người bị loại và trở về đời sống dân sự trong mùa Tân Khóa Sinh.
Chinh Phục Đỉnh Lâm Viên
Chiều ngày 23-5-1958, sau 8 tuần sơ khởi các Tân Khóa Sinh (TKS) K15 di chuyển và đến cắm trại dưới chân Núi Lâm Viên. Sáng sớm ngày 24/5/1958, tất cả TKS được lệnh chinh phục Đỉnh Lâm Viên. Buổi tối cùng ngày, trong buổi Lễ Gắn Alpha của K15 tại Vũ Đình Trường, TKS K15, sau khi được Niên Trưởng K14 gắn Alpha, đã trở thành SVSQ K15.
Năm Thứ Nhất
- Văn hóa: 9 tháng theo chương trình Đệ Nhất (lớp 12) Ban Toán.
- Quân sự: Lý thuyết căn bản về các loại Vũ Khí, Chiến Thuật, Công Binh,Truyền Tin, Pháo Binh và Thiết Giáp.
Du hành học tập: Cùng với K14 du hành 4 vùng chiến thuật với mục đích giới thiệu Trường Võ Bị Đà Lạt do Trung Tá CHT Nguyễn Văn Thiệu hướng dẫn. Đoàn du hành gồm Liên Đoàn SVSQ, Liên Đoàn Yểm Trợ, Ban Quân Nhạc thuộc Quân Đoàn II và một số sĩ quan thuộc Bộ Chỉ Huy của Trường.
- Du hành đợt 1 (1 tháng) từ Đà Lạt đến Bến Hải thăm vùng Phi Quân Sự, Cầu Hiền Lương, và các thành phố Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang,… Tại mỗi thành phố đều có diễn hành để giới thiệu về SVSQ của Trường.
- Du hành đợt 2 (2 tuần) từ Đà Lạt đến các tỉnh Miền Tây (Mỹ Tho, An Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ).
- Ngoài phần học văn hóa và quân sự, SVSQ cũng tham gia các sinh hoạt của Trường, tùy thích và khả năng mỗi người như: Các bộ môn thể thao gồm bóng chuyền, bóng tròn, bơi thuyền, cỡi ngựa, nhu đạo v.v…
- Các sinh hoạt với sinh viên từ Sài Gòn, Huế lên thăm Đà Lạt.Thực hiện chương trình phát thanh "Tiếng nói SVSQ Trường VBQGVN" trên Đài Phát Thanh Đà Lạt.
- Thành lập Tổ Kiếm Thuật, tổ này gồm 3 toán sử dụng 3 loại kiếm khác nhau: Sabre, Épée và Fleuret. Đại diện 3 toán của Tổ Kiếm Thuật được Trung Úy Lưu Vĩnh Lữ hướng dẫn về Cercle Sportif Saigonais ở Sài Gòn để tranh giải.
Kết quả: Trung Úy Lưu Vĩnh Lữ thuộc toán Fleuret đoạt chức vô địch về loại kiếm Fleuret. Hình trên là 7 người đại diện toán Sabre tranh giải vô địch.
Năm Thứ Hai
- Văn Hóa: Chương trình đại học
- Quân Sự:
Du hành học tập (2 tuần) về Chính Sách Dinh Điền tại Pleiku; tại Quận Đạt Lý, Lệ Thanh (Ban Mê Thuột) do Thiếu Tướng Lê Văn Kim hướng dẫn.
Huấn luyện trong khu rừng ở Melon Ragley cạnh dòng Sông Đa Nhim (2 tháng, không được về Thành Phố Đà Lạt) gồm:
- Thực tập các loại vũ khí đã học lý thuyết tại trường.
- Thực tập hành quân đêm chiếm các cao điểm và vượt sông.
- Thực tập lấy tọa độ đêm/ngày.
- Thực tập công binh vượt sông và sử dụng các loại chất nổ.
Năm Thứ Ba
- Văn hóa: Chương trình đại học
- Quân sự:
Du hành học tập tại Chu Pao (Ban Mê Thuột) (1 tháng) gồm:
- Học lý thuyết và thực hành tác xạ pháo binh
- Học lý thuyết và thực hành phối hợp hành quân bộ binh thiết giáp
- Học lý thuyết và thực hành phối hợp hành quân với công binh
- Vượt sông chiếm đầu cầu
Năm Thứ Tư
K15 mới bắt đầu học năm thứ tư được 2 tháng, chương trình 4 năm phải ngưng áp dụng vì nhu cầu của chiến trường. Vì vậy, SVSQ phải ra trường sớm.
Thời gian thụ huấn: 3 năm 2 tháng.
THI MÃN KHÓA
- Chánh Chủ Khảo: Trung Tá Vĩnh Lộc
- Giám Khảo: Các sĩ quan của 4 vùng chiến thuật
- Kết quả: 55 thiếu úy và 2 chuẩn úy
PHÂN PHỐI BINH CHỦNG
K15 được phân phối như sau:
- Các Sư Đoàn Bộ Binh: 43 sĩ quan
- Thủy Quân Lục Chiến: 2 sĩ quan
- Nhảy Dù: 2 sĩ quan
- Biệt Động Quân: 10 sĩ quan
Vì nhu cầu quân số, việc phân phối trên đã có thay đổi khi các Tân Thiếu Úy
trình diện Tổng Cục Quân Huấn và Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu.
12 Tân Thiếu Úy được bổ nhiệm về Phòng 6 và Phòng 7, thuộc Bộ Tổng Tham Mưu.
MÃN KHÓA
Lễ Truy Điệu
Đêm trước ngày Lễ Mãn Khóa là Lễ Truy Điệu Truyền Thống của TVBQGVN tại Vũ Đình Trường do Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng chủ tọa.
Các sĩ quan đại diện từ Khóa 1 đến Khóa 14 về tham dự và đặt vòng hoa tưởng niệm trước Đài Tử Sĩ.
Lễ Mãn Khóa
Chủ tọa: Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Quan khách đặc biệt:
- Cố Vấn Ngô Đình Nhu
- Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng
Tổng Thống VNCH đã đặt tên cho Khóa là Khóa Lê Lợi, và trao cung tên cho Thủ Khoa Võ Trung Thứ.
Sau Lễ Mãn Khóa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng, cùng quan khách đến phạn điếm dùng cơm trưa với các tân sĩ quan.
Sau bữa cơm, Tổng Thống nói chuyện với các Tân Thiếu Úy K15.
Buổi nói chuyện thứ hai do Cố Vấn Ngô Đình Nhu trình bày về những sai sót khi thi hành Chính Sách Dinh Điền. Vì vậy Tổng Thống Diệm đã chỉ thị cho Thiếu Tướng Lê Văn Kim lúc còn làm chỉ huy trưởng đưa SVSQ Khóa 15 lên Pleiku và Ban Mê Thuột quan sát và học tập các khu dinh điền.
VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP
Sau khi Phòng Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH cứu xét chương trình huấn luyện 4 năm của Khóa 15, Tổng Trưởng Quốc Phòng đã cấp phát VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM cho 55 sĩ quan tốt nghiệp Thiếu Úy của K15. Vào ngày 01-3-1971, gần 10 năm sau ngày mãn khóa, văn bằng đã được ấn ký bởi Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH thừa ủy nhiệm Tổng Trưởng Quốc Phòng, và Thiếu Tướng Lâm Quang Thi, Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN.
AI CÒN AI MẤT
Tính đến ngày 4 tháng 9 năm 2013:
• Tử trận: mười một người
Hà Thúc Bằng, Vi Văn Cảnh, Trần Tấn Đản, Lê Minh Hoàng, Nguyễn Chu Khơi, Mai Ngọc Liên, Vũ Thế Minh, Vũ Thế Mẫn, Trần Ngọc Thiều, Trần Văn Tính, Lê Ngọc Túc.
• Chết tại Trường: một người Lê Vũ Minh (quá vãng gần ngày mãn khóa)
• Chết tại Việt Nam sau năm 1975: hai người
Nguyễn Văn Nhiều - tự vận trên đường bị đưa ra Bắc.
Phạm Văn Khôi - chết vì bệnh.
• Chết tại hải ngoại: tám người
Nguyễn Văn Riễm, Phạm Văn Còn, Nguyễn Thanh Khiết, Nguyễn Ngọc Long, Vũ Văn Khôi, Đoàn Thanh Tâm, Đặng Văn Khúc, Nguyễn Hữu Công
Biên soạn tiên khởi và bổ túc sau cùng ngày 15-7-2017:
CSVSQ Cao Chánh Cương
Cựu Đại Diện Khóa 15
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.